Canada vừa ngỏ lời bán đất hiếm cho Việt Nam, dù quốc gia Đông Nam Á có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới.

Trong cuộc họp báo giữa tháng 4/2022 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly cho biết, Canada có thể cung cấp đất hiếm để Việt Nam giảm phát thải, chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Về tổng quan, Việt Nam không thể tách khỏi xu hướng của thế giới khi chuyển đổi sang năng lượng sạch. Trong giai đoạn tới năm 2040, nhu cầu nguyên liệu thô cho năng lượng sạch là đất hiếm có thể tăng 3-7 lần. Đất hiếm sẽ được dùng trong công nghệ năng lượng tái tạo để sản xuất nam châm cho tuabin điện gió, pin mặt trời, pin xe điện… Ngoại trưởng Joly cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia được Cananda ưu tiên xuất khẩu loại nguyên liệu này.

Trên thế giới, Canada từng là cường quốc về đất hiếm. Từ nhiều thập niên, quốc gia Bắc Mỹ này đã chú trọng khai thác tài nguyên đất hiếm – vốn được sử dụng nhiều trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng, công nghệ sạch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ để Trung Quốc thao túng thị trường đất hiếm thế giới. Không chỉ mất thị phần, nguồn tài nguyên quý của quốc gia này cũng rơi vào tay Trung Quốc theo nhiều cách. Cụ thể, những năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh mua cổ phần của các doanh nghiệp Canada hoạt động trong lĩnh vực khai thác các kim loại và khoáng sản quan trọng như cesium, uranium, chromite và lithium.

Trong một nỗ lực giảm phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc, cuối năm 2019, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhất trí xây dựng một chiến lược chung về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. Cùng lúc, phía Trung Quốc nhanh chóng mua hàng mỏ kim loại và khoáng sản quan trọng ở châu Phi và các nước Đông Nam Á.

Đất hiếm Việt Nam: Nhiều nhưng nhẹ

Theo thống kê của Viện Hóa học Công nghiệp, Việt Nam chính là quốc gia đang sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới ước tính khoảng 120 triệu tấn, trong đó, riêng Trung Quốc đang sở hữu nhiều nhất, với 44 triệu tấn.

Việt Nam đứng thứ hai với khoảng 22 triệu tấn, sau đó là Brazil 21 triệu tấn, Nga 17 triệu tấn, Ấn Độ 6,9 triệu tấn, Australia 3,4 triệu tấn… Các tụ khoáng đất hiếm ở Việt Nam nằm tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Ngoài ra, một số quặng đất (sa khoáng) hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh – Vũng Tàu.

Trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (ảnh: Visual Capitalist).
Trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (ảnh: Visual Capitalist).

Tuy nhiên, đất hiếm ở Việt Nam chưa được khai thác rộng. Có một số nguyên nhân được nhà quản lý và các chuyên gia đưa ra như sau:

Khai thác đất hiếm đòi hỏi công nghệ rất cao. Hiện nay, cùng với sự hỗ trợ của nước ngoài, Việt Nam mới đang thử nghiệp công nghệ khai thác tài nguyên này. Thực tế, việc khai thác đất hiếm có tác động rất xấu đến môi trường. Việc khai thác đất hiếm tạo ra chất thải độc hại và có nguy cơ thải ra chất phóng xạ. Trên thế giới, không chỉ Trung Quốc có đất hiếm nhưng nhiều quốc gia lại chấp nhận nhập khẩu bởi lo ngại từ tác động tiêu cực đến môi trường.

Một nguyên nhân khác là đất hiếm được chia thành 2 nhóm “nặng” và “nhẹ”, tùy thuộc vào mật độ các ion trong nguyên tử. Theo TS. Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Bauxite – Nhôm của Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, đất hiếm ở Việt Nam phần lớn thuộc nhóm nhẹ.

Đất hiếm nhóm nặng có nhiều công dụng và dùng nhiều trong các ngành công nghệ cao hơn. Đất hiếm nhóm nhẹ vẫn có những ứng dụng và nhu cầu nhất định, ví dụ người ta có thể sử dụng để làm loa, song nhìn chung, đất hiếm nhóm nhẹ ít được sử dụng trong các ứng dụng khác và không nhiều lợi thế như đất hiếm nhóm nặng. Đó cũng có thể là một lý do chưa có nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm đến tài nguyên này của Việt Nam.