Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 18/6 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau

Tin trong nước:

  • 14 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào TP.HCM
  • Một phụ nữ xưng là bà ngoại đến thăm bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài nắng
  • Danh tính cậu bé lớp 6 đội mưa, khơi miệng cống chống ngập
  • Container đè bẹp ôtô khách 16 chỗ
  • Phá đường dây làm giả thẻ nhà báo, công an… bán qua mạng xã hội

Tin thế giới:

  • Biểu tình chống Trung Quốc lan ra nhiều tỉnh thành Ấn Độ
  • Úc vạch trần vòi bạch tuộc của Trung Quốc
  • Na Uy bác tin cá hồi đưa Covid-19 đến Bắc Kinh
  • Luật an ninh mới tại Hồng Kông có thể cho phép dẫn độ sang Trung Quốc

Sau đây là nội dung chi tiết

Tin trong nước

(Zing news) – 14 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào TP.HCM. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) – từ đầu tháng 5 đến nay, đã phát hiện 14 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia. 

Trong đó, 6 trường hợp được phát hiện tại khu dân cư, 8 trường hợp bệnh nhân và người đi cùng được phát hiện khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Đi cùng bệnh nhân là người nhà và thậm chí có cả phiên dịch được thuê từ Campuchia hoặc tại Việt Nam.

Các bệnh nhân nhập cảnh trái phép đều đi qua các đường mòn, lối mở ở biên giới sau đó đi trên các chuyến xe công cộng hoặc thuê xe riêng đến cơ sở y tế ở thành phố.

(Tuổi Trẻ) – Một phụ nữ xưng là bà ngoại đến thăm bé sơ sinh bị bỏ rơi ngoài nắng. Theo thông tin từ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), sau gần 10 ngày điều trị, bé Nguyễn Văn An – (sinh tối 6-6 và bị bỏ rơi ngoài trời đến chiều 8-6) đã có tiến triển tốt hơn: đang tập cai thở máy, giảm được thuốc vận mạch, sức khỏe tốt hơn một chút so với cuối tuần trước và có thể cho là tạm vượt qua nguy hiểm.

Bệnh viện Xanh Pôn cũng cho hay vừa có một phụ nữ ngụ ở tỉnh Hà Tĩnh xưng là bà ngoại cháu bé đến xin thăm cháu. Người phụ nữ này nói có giấy tờ chứng minh mối liên quan với mẹ đẻ cháu bé. 

Tuy nhiên, phía bệnh viện cho biết bệnh viện chịu trách nhiệm điều trị bệnh, việc giao cháu bé cho người nhà hoặc tổ chức/cá nhân nào nuôi dưỡng tới đây là quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

(VnExpress) – Danh tính cậu bé lớp 6 đội mưa, khơi miệng cống chống ngập. Tối 16/6, một đoạn video được cắt từ camera an ninh của gia đình chị Tạ Hương, 34 tuổi, ở đường D2, khu tái định cư Thái Lạc, xã Long An, huyện Long Thành ghi lại hình ảnh, trong cơn mưa chiều một cậu bé mặc đồng phục trường học, lưng đeo ba lô, đạp xe đi dọc đường. 

Cậu dừng lại ở những cống thoát nước, dùng tay móc sạch rác rưởi, bùn đất để nước mưa thoát nhanh, hạn chế ngập úng. Đoạn video lập tức “gây bão” trên khắp các trang mạng xã hội với vô số lời khen ngợi cho hành động đẹp của một cậu bé nhỏ tuổi.

em Phạm Trọng Đạt học sinh lớp 6/1, trường Trung học cơ sở Long An, xã Long An
Anh Huỳnh Công Lập, trưởng ấp Xóm Tràu trao cho Đạt 1,2 triệu đồng. Số tiền được mọi người quyên góp gửi tặng khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình – ảnh: Huỳnh Lập/VnExpress.

Sáng 17/6, một cô giáo khẳng định đó là học trò cũ của mình, em Phạm Trọng Đạt học sinh lớp 6/1, trường Trung học cơ sở Long An, xã Long An. Anh Huỳnh Công Lập – trưởng ấp Xóm Trầu đã tìm đến nhà Đạt ở tổ 4 để xác minh sự việc. 

Khi được hỏi về việc làm của mình chiều 16/6, Đạt nói: “Chiều hôm đó em móc được khoảng 10 cái miệng cống đầy rác như vậy. Em tiện tay làm sạch thôi”. Cậu học sinh còn tiết lộ, trước đây, mỗi khi gặp trời mưa mà thấy miệng cống nào bị tắc em cũng thường dừng lại làm như vậy. 

(Zing news) – Xe container đè bẹp ôtô khách 16 chỗ. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 22h40 ngày 17/6, tại Km 256+600 trên quốc lộ 18, đoạn qua khu vực Núi Chùa, thôn 6, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Khi đó, xe khách 16 chỗ biển kiểm soát tỉnh Khánh Hòa di chuyển đến địa phận trên thì xảy ra chạm với xe container biển số tỉnh Quảng Ninh đi hướng ngược lại (Hải Hà – Móng Cái). Sau va chạm, xe khách bị hất văng xuống vệ đường và bị container lật ngang, đè lên.

Trên xe khách có 2 nam, 1 nữ, bao gồm cả lái xe. Đến sáng 18/6, cơ quan chức năng xác định cả 3 người đã tử vong. Tại hiện trường, xe khách bị biến dạng, bẹp dúm.

(Lao Động) – Phá đường dây làm giả thẻ nhà báo, công an… bán qua mạng xã hội. Ngày 17/6, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết đang tạm giữ hình sự Phạm Hoài Thanh, Nguyễn Tấn Linh (cùng SN 1994, trú huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), Phạm Văn Đoàn (SN 1989, trú huyện Hóc Môn, TPHCM) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, vào ngày 9/6, lực lượng chức năng đã ập vào khám xét chỗ ở của Phạm Hoài Thanh ở K47/39 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM, thu giữ 29 giấy tờ bản gốc và 54 bản sao y giả, gồm bằng tốt nghiệp đại học, CMND, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẻ ngành công an, thẻ nhà báo…

Công an đang tạm giữ hình sự 3 người liên quan cùng tang vật vụ án
Công an đang tạm giữ hình sự 3 người liên quan cùng tang vật vụ án -ảnh: Công an cung cấp.

Trong khi đó, tại chỗ ở của Nguyễn Tấn Linh ở phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM, đồng phạm của Thanh, công an thu giữ 1 laptop, 84 tài liệu các loại, 4 con dấu nghi làm giả.

Tiếp tục kiểm tra nhà riêng của Phạm Văn Đoàn ở xã Tân Thời Nhì huyện Hóc Môn, một đồng phạm khác, công an thu thêm 43 con dấu tròn, máy ép nhựa plastic, 200 phôi giấy các loại và hàng chục triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, nhóm này khai thường đã đăng thông tin làm giấy tờ lên mạng xã hội để tìm khách hàng khắp cả nước, thu về hàng tỷ đồng.

Tin thế giới

(Tuổi Trẻ) – Biểu tình chống Trung Quốc lan ra nhiều tỉnh thành Ấn Độ. Sau vụ đụng độ ở khu vực biên giới giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc làm thiệt mạng nhiều người, các cuộc biểu tình phản đối và đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã nổ ra vào ngày 17/6 tại các bang Uttar Pradesh, Bihar, Gujarat và Jammu.

Các hãng thông tấn ANI và PTI của Ấn Độ đã mô tả về các cuộc biểu tình có đốt cờ Trung Quốc, đốt ảnh lãnh đạo Trung Quốc.

Hãng tin ANI dẫn lời một người biểu tình ở Patna đòi Thủ tướng Narendra Modi phải cho tiến hành không kích trả đũa Trung Quốc theo kiểu như Ấn Độ từng làm với Pakistan.

(Tuổi Trẻ) – Úc vạch trần vòi bạch tuộc của Trung Quốc. Báo cáo gây choáng của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) nhận định các tập đoàn, tổ chức Nhà nước Trung Quốc đang âm thầm chuyển sang hoạt động ngầm, tăng cường xâm nhập các cộng đồng ở hải ngoại dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau.

Cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 dường như đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức bí mật của Trung Quốc tăng cường hoạt động, “Ban lãnh đạo Trung Quốc đang tăng cường sức ảnh hưởng của họ bằng cách tập hợp đại diện các nhóm dân tộc thiểu số, phong trào tôn giáo, doanh nghiệp, khoa học và chính trị trên toàn Trung Quốc và hải ngoại.

Nỗ lực của Bắc Kinh can thiệp vào các cộng đồng Hoa kiều, tác động lên hệ thống chính trị và bí mật ăn cắp công nghệ nhạy cảm và có giá trị ở nước ngoài chỉ có tăng lên khi căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới tiếp tục leo thang” – ông Alex Joske – nhà nghiên cứu của ASPI ở Canberra, nhận định trong bản báo cáo.

(VnExpress) – Na Uy bác tin cá hồi đưa Covid-19 đến Bắc Kinh. Sau cuộc họp giữa các quan chức Trung Quốc và Na Uy ngày 16/6, cả hai nước đã kết luận rằng cá hồi Na Uy ít khả năng là nguồn lây lan của đợt dịch bùng phát tuần trước ở chợ Tân Phát Địa, Bộ trưởng Ngư nghiệp và Thủy sản Na Uy – Odd Emil Ingebrigtsen ngày 17/6 nói tại Oslo.

Người Trung Quốc tẩy chay cá hồi trong những ngày qua, sau khi trưởng ban quản lý chợ Tân Phát Địa – chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á ở thủ đô Bắc Kinh và là cụm dịch ghi nhận 137 ca Covid-19, nói rằng virus được phát hiện trên thớt của một người bán cá hồi nhập khẩu tại chợ.

Trung Quốc năm ngoái nhập khẩu khoảng 23.500 tấn cá hồi Na Uy. Theo dữ liệu từ Hội đồng Hải sản Na Uy, nước này xuất khẩu hơn 3.100 tấn cá hồi sang Trung Quốc hồi tháng 4, tăng 97% so với năm trước. Na Uy chiếm 45% thị phần cá hồi tươi xuất sang Trung Quốc từ tháng một đến tháng 4 năm nay.

Biểu tình ở Hong Kong
Biểu tình ở Hong Kong – ảnh: Commons.wikimedia.

(Thanh Niên) – Luật an ninh mới tại Hồng Kông có thể cho phép dẫn độ sang Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn đài RTHK hôm 17/6, ông Đàm Diệu Tông –  Ủy viên ban thường vụ quốc hội Trung Quốc nói rằng chính quyền trung ương sẽ xử lý một số vụ án liên quan đến yếu tố ngoại giao hoặc có sự can thiệp của nước ngoài, thay vì để chính quyền Hồng Kông xử lý.

Khi được hỏi điều này có đồng nghĩa nghi phạm sẽ bị dẫn độ sang đại lục để xét xử, ông Đàm nói nếu chính quyền trung ương cho rằng điều đó cần thiết thì đó là một lựa chọn.

Phát biểu của ông Đàm Diệu Tông được cho là rất đáng chú ý vì nhắc đến việc dẫn độ nghi phạm từ Hồng Kông sang đại lục, vấn đề được đưa ra trong dự luật dẫn độ hồi năm 2019 dẫn đến cuộc khủng hoảng biểu tình kéo dài nhiều tháng tại đặc khu.