Trung Quốc đang có nhiều toan tính ở Biển Đông, các nước ASEAN cần phải có đối sách cứng rắn, mạnh mẽ hơn. 

Trung Quốc đang làm gì?

Đài BBC news đã đăng lại một số trích đoạn trong cuộc phỏng vấn với tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Đông Nam Á (Iseas, Singapore) về động thái của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, theo đó ông Hợp đưa ra nhận định rằng: “Trung Quốc có rất nhiều tính toán mà hầu hết các quốc gia khác không thể biết chính xác được những gì Trung Quốc sẽ làm”. Trung Quốc hiện có một số hành động được xem là rất đáng quan ngại, bao gồm việc tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông, tăng cường sự hiện diện ở Biển Hoa Đông gần Nhật Bản và ở khu vực eo biển Đài Loan.

Trả lời câu hỏi của BBC News rằng “Liệu đây có phải là thử nghiệm phản ứng của Trung Quốc không?”, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết: “Chắc chắn là như vậy là bởi vì Trung Quốc đang liên tục hoạt động ở Biển Đông, họ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về khả năng quân sự và quốc phòng cho các quốc gia khác đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông”, đồng thời “Trung Quốc cũng đưa một cảnh báo lớn và trực tiếp đến Đài Loan và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, điều này mọi người đều nhìn thấy.”

Ảnh – chụp màn hình youtube báo Nghệ An.

Theo thông tin từ CNN vào ngày 08/06/2020 dẫn lời ông Greg Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á: “Hàng ngày có hàng chục tầu hải cảnh Trung Quốc khuấy đảo quanh các đảo ở Trường Sa và có hàng trăm tầu cá sẵn sàng ra khơi”, ông Poling bổ sung thêm rằng “những hòn đảo này đầy những radar giám sát, các radar này theo dõi được hết những gì xảy ra ở Biển Đông. Trong quá khứ, Trung Quốc không biết bạn khoan dầu ở đâu, giờ thì họ biết chính xác vị trí », điều này cũng có nghĩa là mọi hoạt động của tầu thuyền trong vùng cũng đều nằm trong tầm quan sát củ Bắc Kinh

Đài RFI nhận định Trung Quốc đã chuẩn bị trên mọi phương diện cho việc thực hiện tham vọng của họ ở Biển Đông cụ thể là:

  •  Về mặt hành chính, Trung Quốc ngang nhiên lập trái phép hai « quận » mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa, trực thuộc « thành phố Tam Sa » (Sansha) để hoàn thiện và củng cố hệ thống quản lý ở vùng biển chiến lược này. 
  • Về quân sự, Hải Quân Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông từ cuối tháng 04 đến đầu tháng 05/2020, trong đó có cả tầu sân bay Liêu Ninh tham gia. 
  • Về ngân sách: Ngân sách quốc phòng cũng được Quốc Hội Trung Quốc bỏ phiếu tăng thêm 6,6%. 
  • Về tinh thần: Về điểm này, giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân Sự Pháp (IRSEM) nhận định với RFI Tiếng Việt :

« Kỳ họp Quốc Hội hàng năm là sự kiện lớn, quan trọng đối với chính trị Trung Quốc. Kỳ họp lần này diễn ra sau đỉnh điểm khủng hoảng dịch tễ Covid-19 trong khi cách xử lý dịch của Trung Quốc bị phản đối từ trong nước lẫn ở nước ngoài, đặc biệt phải kể đến việc tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với quốc tế”.

Ông Benoît nhấn mạnh rằng: “Trong bối cảnh căng thẳng, chính quyền Bắc Kinh cần phải khuấy động tinh thần dân tộc nhằm tái thể hiện sức mạnh Trung Quốc trước một sự kiện mang ý nghĩa lớn, đó là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2021. Chính quyền trung ương Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm trong việc tập hợp, tăng cường đoàn kết dân tộc và khẳng định vị trí cường quốc bên trong lãnh thổ cũng như ở các vùng ngoại vi của nước này, như Đài Loan, Hồng Kông và mặt trận bên ngoài thứ ba chính là Biển Đông. Trong cả ba trường hợp, tầm cỡ tinh thần quốc gia và chính sách đối nội đều rất quan trọng”.

Các nước ASEAN cần làm gì?  

Theo RFI tiếng Việt, ngoài  Philippines còn có  ba nước Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và phản đối yêu sách của Bắc Kinh. Từ góc độ ngoại giao, ba nước này đã lần lượt gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối “đường 9 đoạn” của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.

Ảnh – chụp màn hình youtube báo Nghệ An.

Phía Việt Nam không nói hẳn là Trung Quốc đang đe dọa ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông, nhưng Việt Nam đã khẳng định lập trường đàm phán để giải quyết tranh chấp trong Sách Trắng Quốc Phòng 2019 : “Trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giữ ổn định tình hình ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà cả hai nước đều là thành viên ký kết; nghiêm chỉnh thực hiện DOC, tiến tới xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc; tuân thủ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước; Việt Nam ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông; không có hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Năm nay cũng là năm Việt Nam được luân phiên làm Chủ tịch ASEAN, giới quan sát nhận định rằng các nước ASEAN cần có củng cố nội lực và cùng sự đoàn kết, đồng lòng để có những biện pháp phù hợp chống lại Bắc Kinh, không nên để Bắc Kinh thực hiện đơn phương đồng thuận riêng với từng nước trong khu vực.  

Với những hoạt động cụ thể trên Biển Đông thì  các nước ASEAN phải ngăn chặn các đội tàu xâm chiếm vùng biển của mỗi quốc gia. Asean cần những phản ứng mạnh mẽ và mạnh mẽ hơn. Cũng theo báo BBC dẫn lời tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: “Nếu Trung Quốc có thể xây dựng các giàn khoan, hoặc đặt một cuộc thám hiểm ở thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế của bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào, thì điều đó là nguy hiểm cho tất cả các quốc gia ASEAN”.

Đồng thời, các nước này cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài,  ví dụ như cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ. Với nội dung này, BBC dẫn lời tiến sĩ Hà Hoàng Hợp rằng “Về phía Mỹ, ngoài những tuyên bố mạnh mẽ, Hoa Kỳ cũng phải gửi những thông điệp mạnh mẽ hơn, bao gồm tăng cường các hoạt động tuần tra hoặc thực hiện các thông điệp. Sẵn sàng có những phản ứng cứng rắn, thì tình hình sẽ khác”.

Còn CNN đăng tải nhận định của giáo sư James Holmes, Trường Hải Chiến Mỹ (US Naval War College) rằng: “Trung Quốc có lẽ đã tự đánh giá quá cao khi tỏ thái độ hăm dọa và hiếu chiến như vậy. Điều này tạo cơ hội cho những nước bị đe dọa liên kết với nhau. Trung Quốc càng tấn công, các đối tác trong liên minh đó lại càng đoàn kết và đẩy lùi Trung Quốc”. Đây có lẽ là lời bình luận khá đầy đủ về tình hình hiện nay ở Biển Đông.