Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 20/6 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau

Tin trong nước:

  • FaceApp nguy hiểm, người Việt vẫn đua nhau dùng để đổi giới tính ảnh
  • Thêm 7 ca mắc mới Covid-19 từ Châu Âu trở về, Việt Nam có 349 bệnh nhân
  • Đồng Nai: Cách chức chủ tịch phường ‘có bằng đại học trước, bằng THPT sau’
  • Nữ bác sĩ dùng bằng giả để hành nghề ở Đồng Nai
  • Hack tài khoản Facebook phó bí thư huyện ủy, lừa tiền nhiều người

Tin thế giới:

  • Châu Âu bắt tay Mỹ để ‘nắn thẳng lưng’ WHO, kéo ra xa Trung Quốc
  • Trung Quốc truy tố “bạn thân” của Kim Jong Un tội làm gián điệp
  • Bộ trưởng y tế Thái Lan tình nguyện thử vắc xin ngừa Covid-19
  • Khỉ nghiện rượu làm 1 người chết và 250 người bị thương

Sau đây là nội dung chi tiết

Tin trong nước

(Zing news) – FaceApp nguy hiểm, người Việt vẫn đua nhau dùng để đổi giới tính ảnh. Ngày 19/6, ứng dụng chỉnh sửa ảnh FaceApp một lần nữa lọt top 1 xu hướng tìm kiếm Google Trends. Không chỉ vậy, trên kho ứng dụng Google Play, FaceApp vượt qua Instagram, Facebook, WhatsApp đứng top 3 ứng dụng phổ biến nhất với hơn 100 triệu lượt tải xuống.

Trước đây, ứng dụng này từng được biết đến với tính năng chỉnh sửa gương mặt trẻ hơn hoặc già đi. Ở lần trở lại này, FaceApp tập trung nâng cấp tính năng chuyển đổi giới tính trên hình ảnh của người dùng. Ngoài chỉnh sửa khuôn mặt, FaceApp còn có thể ghép tóc, râu vào ảnh gốc một cách chi tiết nhất bằng công nghệ máy học.

Tuy nhiên, FaceApp lại được rất nhiều chuyên gia bảo mật và các tổ chức lớn cảnh báo về rủi ro lộ lọt thông tin. Theo đó, phần cài đặt của FaceApp yêu cầu quyền khởi chạy cùng hệ thống, truy cập bộ nhớ, chạy nền, toàn quyền sử dụng Internet…

“Có nghĩa sau khi cài đặt, FaceApp có quyền tự động khởi chạy, truy cập bộ nhớ và truyền dữ liệu về máy chủ. Với hơn 100 triệu lượt tải xuống, đây là kho dữ liệu rất lớn. Một số quyền truy cập vượt quá giới hạn của ứng dụng chỉnh sửa ảnh”, Trí Đức, chuyên gia bảo mật đang làm việc tại New York, Mỹ cho biết.

(Bộ Y tế) – Thêm 7 ca mắc mới Covid-19 từ Châu Âu trở về, Việt Nam có 349 bệnh nhân. Bản tin lúc 18h ngày 19/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã phát hiện 7 trường hợp mắc Covid-19 là người trở về từ Châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan), được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 349 ca.

Ngày 06/6 các bệnh nhân này từ châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan) về Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) trên chuyến bay VN2, sau khi nhập cảnh được cách ly ngay tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ngày 07/6 được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả đều âm tính. Ngày 18/6 được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả 7 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 7 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Cập nhật tình hình Covid-19
Cập nhật tình hình Covid-19 – ảnh: Bộ Y tế.

(Người Lao Động) – Đồng Nai: Cách chức chủ tịch phường ‘có bằng đại học trước, bằng THPT sau’. Ngày 19/6, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định cách chức đối với ông Nguyễn Văn Minh do sử dụng bằng cấp không hợp lệ, đồng thời để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý xây dựng tại phường do ông quản lý.

Cơ quan chức năng xác định thời điểm năm 2016, khi ông Minh được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Hóa An (nay là phường Hóa An), thì ông này chưa cung cấp được bằng tốt nghiệp THPT và bằng đại học.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay khi chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Hóa An nhiệm kỳ 2020-2025 thì hồ sơ ông Minh có hai bằng. Tuy vây, sau đó cơ quan chức năng xác định những bằng cấp của ông Minh cung cấp không hợp lệ do thời điểm cấp bằng tốt nghiệp THPT lại… có sau thời điểm cấp bằng đại học.

(Người Đưa Tin) – Nữ bác sĩ dùng bằng giả để hành nghề ở Đồng Nai. Chiều 19/6, đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho biết đang xử lý trường hợp nữ bác sĩ làm việc tại Phòng khám đa khoa Đ. Ph. (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) có hành vi sử dụng bằng giả để hành nghề.

Nữ bác sĩ bị điều tra trong vụ việc là bà Trần Xuân Ng., phụ trách chuyên môn phòng Chẩn đoán hình ảnh của phòng khám đa khoa Đ. Ph. Trong quá trình thẩm định hồ sơ nhân sự trước khi phòng khám đi vào hoạt động, cán bộ thanh tra Sở Y tế phát hiện bằng cấp của bà Ng. có nhiều dấu hiệu làm giả nên đã tiến hành xác minh.

Kết quả điều tra xác định, bằng bác sĩ chuyên ngành Y đa khoa của bà Ng. không có trong hồ sơ của trường ĐH Y dược TP.HCM.

Nữ bác sĩ ở Đồng Nai dùng bằng đại học giả để hành nghề
Nữ bác sĩ ở Đồng Nai dùng bằng đại học giả để hành nghề – ảnh minh họa.

(Người Lao Động) – Hack tài khoản Facebook phó bí thư huyện ủy, lừa tiền nhiều người. Ngày 19/6, Công an tỉnh Đắk Nông vừa khởi tố bổ sung quyết định khởi tố vụ án về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và khởi tố bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Văn Giải (SN 2002) và Đoàn Quang Duy Tú (SN 1992, cùng ngụ tỉnh Quảng Trị) về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Trước đó, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 2 bị can Tú và Giải để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng đã “hack” Facebook của nhiều người, trong đó có Facebook của ông B.N.S (Phó Bí thư Huyện ủy 1 huyện ở tỉnh Đắk Nông). Sau khi “hack” được các tài khoản Facebook, các đối tượng nhắn tin hỏi mượn tiền những người thân quen của các chủ tài khoản Facebook này, rồi chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng mà các đối tượng cung cấp. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã lừa đảo 7 nạn nhân ở nhiều tỉnh thành và chiếm đoạt gần 200 triệu đồng.

Tin thế giới

(Tuổi Trẻ) – Châu Âu bắt tay Mỹ để ‘nắn thẳng lưng’ WHO, kéo ra xa Trung Quốc. Anh, Pháp, Đức và Ý đang bắt tay với Mỹ trong kế hoạch cải tổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với niềm tin rằng nếu có thể kéo tổ chức này ra xa Trung Quốc, Mỹ có thể suy nghĩ lại việc đoạn tuyệt với WHO và tiếp tục bơm tiền tài trợ.

Mục tiêu mà châu Âu hướng tới là “đảm bảo sự độc lập của WHO” – điều mà Hãng tin Reuters nhận định là sự ám chỉ rõ ràng việc tổ chức này nghiêng về Trung Quốc trong thời gian qua.

“Chúng tôi đang thảo luận về cách tách bạch các cơ chế quản lý và phản ứng trong tình trạng khẩn cấp của WHO khỏi sự ảnh hưởng của bất kỳ quốc gia nào” – một quan chức châu Âu tiết lộ.

WHO đã bị chỉ trích chậm chạp trong việc tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tổng giám đốc hiện tại của tổ chức này cũng bị lên án là xa rời khoa học và “chơi bài chính trị” khi liên tục kêu gọi các nước mở cửa để người dân được tự do đi lại trước khi công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Trụ sở WHO tại Thụy Sĩ
Trụ sở WHO tại Thụy Sĩ – ảnh: flickr.

(Dân Việt) – Trung Quốc truy tố “bạn thân” của Kim Jong Un tội làm gián điệp. Doanh nhân Michael Spavor và cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig bị Trung Quốc bắt giữ vào tháng 12/2018 sau khi Canada có hành động tương tự với giám đốc tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei – Mạnh Vãn Châu.

Hôm 19/6, doanh nhân Spavor bị Viện kiểm sát Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh truy tố vì tội đánh cắp và cung cấp bí mật nhà nước cho nước ngoài. Mức án cao nhất đối với ông Spavor có thể là tù chung thân. Theo SCMP, tỷ lệ bị kết án khi dính cáo buộc gián điệp ở Trung Quốc là trên 99%.

Jacco Zwetsloot – một người bạn của ông Spavor – bày tỏ thất vọng trước quyết định của Trung Quốc. Ông Jacco Zwetsloot cho rằng bạn mình vô tội và là “nạn nhân của đấu đá chính trị”. Jacco Zwetsloot cho biết, bạn mình thậm chí còn không biết nói, đọc và viết tiếng Trung Quốc.

Doanh nhân Spavor, 40 tuổi, đến Triều Tiên năm 2001 và xây dựng được mối quan hệ rất tốt với Chủ tịch Kim Jong Un. Ông Spavor đóng vai trò quan trọng trong chính sách hội nhập quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của ông Kim. Ngoài ra, ông Spavor cũng được lãnh đạo Triều Tiên tin tưởng giao nhiệm vụ dự báo các biện pháp trừng phạt của quốc tế.

(Tuổi Trẻ) – Bộ trưởng y tế Thái Lan tình nguyện thử vắc xin ngừa Covid-19. Ông Anutin Charnvirakul đã xung phong khi được thủ tướng Thái Lan hỏi ai sẽ là người đầu tiên thử vắc xin ngừa Covid-19 do nước này tự phát triển. Nếu mọi việc tiến triển tốt, Bangkok sẽ có vắc xin của riêng mình vào năm 2021.

Người đứng đầu Bộ Y tế Thái Lan cho biết vắcxin do các nhà nghiên cứu Đại học Chulalongkorn phát triển đã được thử nghiệm trên khỉ từ cuối tháng trước. Sau giai đoạn này, vắc xin sẽ được thử nghiệm trên người.

Các nhà khoa học Thái Lan dự định sẽ thử vacxin trên người tình nguyện trong độ tuổi từ 29 đến 39. Đây là nhóm người trẻ, có sức đề kháng tốt hơn những người thuộc nhóm có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền.

(VnExpress) – Khỉ nghiện rượu làm 1 người chết và 250 người bị thương. Con khỉ có tên là Kalua ở vườn thú Kanpur tại bang Uttar Pradesh được chủ nhân thường xuyên cho uống rượu. Sau một thời gian, con khỉ trở nên nghiện rượu.

Khi người chủ chết, Kalua không có rượu để uống thường xuyên và trở nên hung dữ. Nó liên tục cắn người trên phố và gieo rắc sợ hãi ở Mirzapur khi đã khiến một người đàn ông thiệt mạng và 250 người khác bị thương.

Con khỉ thường nhắm vào phụ nữ và bé gái. Hàng chục trẻ em ở địa phương phải phẫu thuật vì bị Kalua cắn rách mặt. Sau cùng, cán bộ lâm nghiệp và vườn thú phối hợp để bắt sống con khỉ.

Sau khi con khỉ 6 tuổi bị bắt và đưa tới vườn thú Kanpur, các nhà động vật học phát hiện nó không chỉ nghiện rượu mà còn không chịu ăn rau. Họ cho rằng người chủ chắc hẳn đã cho con khỉ ăn thịt. Đó có thể là một nguyên nhân khác dẫn tới sự cáu kỉnh mất kiểm soát của nó. Kalua cũng có xu hướng tấn công nữ nhân viên vườn thú và những con khỉ khác ở cùng chuồng.