Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 24/6 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau.

Tin trong nước

  • Đình chỉ công tác hai lãnh đạo vụ ghi sai 58 triệu đồng tiền điện
  • Hàng trăm smartphone tại Việt Nam bị mã độc lấy cắp thông tin
  • Thua đá gà qua mạng gần 600 triệu, học sinh lớp 11 bị ‘giang hồ’ đến nhà đe dọa

Tin thế giới

  • Đài Loan đưa quân tới Đông Sa sau thông tin Trung Quốc sẽ tập trận chiếm đảo
  • Tổng thống Trump ký sắc lệnh ngừng cấp visa lao động đến hết 2020
  • Trung Quốc chuyển dòng 11 con sông, lấn sang đất ở nước láng giềng của Ấn Độ?
  • Mực nước đập Tam Hiệp vượt mức kiểm soát, chuyên gia Trung Quốc nói gì?
  • NISCSS cảnh báo Mỹ – Trung có thể có nguy cơ khủng hoảng hoặc xung đột quân sự

Sau đây là nội dung chi tiết: 

Tin trong nước

(VnExpress) – Đình chỉ công tác hai lãnh đạo vụ ghi sai 58 triệu đồng tiền điện. Ngày 23/6, ông Ngô Tấn Cư – Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, đã họp kiểm điểm nghiêm khắc người đứng đầu, tập thể, cá nhân liên quan vụ ghi nhầm hơn 58 triệu đồng tiền điện tháng 5 của một khách hàng tại Công ty Điện lực Quảng Bình. 

Trong đó, Tổng giám đốc EVNCPC quyết định đình chỉ công tác với ông Trần Xuân Công – Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Bình và ông Thái Hồng Lĩnh – Giám đốc Điện lực Đồng Hới. 

Ngoài ra, Công ty Điện lực Quảng Bình phải xem xét xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp.

(Dân Trí) – Hàng trăm smartphone tại Việt Nam bị mã độc lấy cắp thông tin. Tập đoàn công nghệ Bkav vừa phát đi cảnh báo về loại mã độc gián điệp có tên gọi VN84App, nhắm đến người sử dụng smartphone chạy nền tảng Android.

Ước tính đến nay đã có hơn 300 người dùng tại Việt Nam đã bị lây nhiễm loại mã độc nguy hiểm này chỉ sau một thời gian ngắn.

Theo Bkav, dấu hiệu mã độc VN84App đã được phát hiện từ tháng 5/2020, khi hệ thống giám sát an ninh của công ty này phát hiện trang web có địa chỉ http://bocongan113.com. Đây là trang web mạo danh website của Bộ Công An và được tin tặc sử dụng để phát tán mã độc VN84App dưới dạng file .apk (định dạng file cài đặt ứng dụng cho Android). 

Khi cài đặt thành công, VN84App sẽ âm thầm thu thập tin nhắn, số điện thoại, thông tin IMEI… và gửi về máy chủ từ xa.

(Tuổi Trẻ) – Thua đá gà qua mạng gần 600 triệu, học sinh lớp 11 bị ‘giang hồ’ đến nhà đe dọa. Ngày 23/6, Công an huyện Đức Hòa, Long An cho biết đã nhận được đơn thư trình báo tố giác tội phạm của bà Đ.T.N.L. (41 tuổi, ngụ ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) về việc bị “giang hồ” đến nhà đe dọa, đòi con bà trả tiền thua nợ do tham gia đá gà qua mạng.

Theo đơn trình báo, con bà L. đang là học sinh lớp 11, tham gia vào một tụ điểm tổ chức đá gà qua mạng (đặt cược theo hình thức “thế mạng”) trong khu vực Khu công nghiệp Tân Đức, thuộc ấp Bình Tiền 1 vào trưa 14/6. Chỉ sau mấy lượt cá cược, đã thua hơn 500 triệu đồng.

Để trả nợ, nam sinh lớp 11 này đã về nhà trộm tiền, vàng với giá trị khoảng 350 triệu đồng đến tụ điểm đá gà trên để trả và xin nợ lại gần 200 triệu đồng. 

Nhóm người được bà L. cho là đến nhà bà đòi nợ, đe dọa vào sáng 20/6
Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ.

Đến sáng ngày 20/6, 4 người đàn ông đi chung ô tô tìm đến tận nhà bà L. để đòi nợ mà con bà bị thiếu, đe dọa sẽ không để yên cho con bà nếu gia đình không trả nợ. Những người đòi nợ này tự công khai đang sinh sống tại khu vực ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng.

Tin thế giới

(Thanh Niên) – Đài Loan đưa quân tới Đông Sa sau thông tin Trung Quốc sẽ tập trận chiếm đảo. Hãng tin CNA dẫn lời quan chức Cơ quan Phòng vệ Đài Loan (MND) ngày 22/6 cho biết một số lính thủy đánh bộ được đưa đến quần đảo Đông Sa để tham gia chương trình huấn luyện.

Quan chức trên cho biết đợt huấn luyện này, sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ cùng các kỹ năng bảo trì thiết bị và hậu cần của lực lượng tuần duyên Đài Loan đóng trên đảo.

Động thái này diễn ra sau khi hãng Kyodo News hôm 12/5 loan tin Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có kế hoạch tổ chức cuộc tập trận ở Biển Đông vào tháng 8, với kịch bản chiếm quần đảo Đông Sa.

Bà Thái Anh Văn (áo trắng) trong một lần thăm thủy quân lục chiến Đài Loan
Bà Thái Anh Văn (áo trắng) trong một lần thăm thủy quân lục chiến Đài Loan – ảnh: Chụp màn hình CNA.

(Tuổi Trẻ) – Tổng thống Trump ký sắc lệnh ngừng cấp visa lao động đến hết 2020. Ngày 22/6, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh mở rộng chủ trương ngừng cấp visa lao động cho người nước ngoài ít nhất đến cuối năm 2020, bao gồm visa L-1 và H-1B vốn được các tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ sử dụng nhiều cho nhân sự của mình.

Lý do của ông Trump là bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ khi hàng chục triệu người đã thất nghiệp do dịch Covid-19. Theo một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ, quyết định này sẽ giúp tạo 525.000 việc làm cho người lao động Mỹ từ nay đến cuối năm 2020.

Theo đó, đến tháng 12-2020, các hồ sơ xin cấp thẻ xanh mới được xem xét phê duyệt. Việc cấp các loại thị thực làm việc như H-1B cho các đối tượng lao động người nước ngoài tại các công ty công nghệ, H-2B dành cho lao động nông nghiệp tạm thời, cũng như các đối tượng khách trao đổi, người lao động chuyển nhượng giữa các công ty, đến cuối tháng 12 mới được nối lại. 

(Dân Việt) – Trung Quốc chuyển dòng 11 con sông, lấn sang đất ở nước láng giềng của Ấn Độ? Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đường bộ khổng lồ ở khu tự trị Tây Tạng của Bắc Kinh đã khiến nhiều dòng sông bị đổi hướng, giúp Trung Quốc mở rộng lãnh thổ sang khu vực phía Bắc Nepal – quốc gia láng giềng với Ấn Độ – theo một tài liệu của Bộ Nông nghiệp Nepal, được tờ Hindustan Times dẫn lại.

Theo tài liệu nói trên, nhiều khu vực thuộc một số quận của Nepal đang bị Trung Quốc chiếm giữ. Trung Quốc có thể kiểm soát thêm nhiều diện tích ở khu vực biên giới với Nepal nếu các con sông tiếp tục bị đổi dòng chảy như hiện tại.

Theo Bộ Nông nghiệp Nepal, Trung Quốc đã đổi dòng 11 con sông ở biên giới, chiếm giữ 36 héc ta đất của Nepal thuộc 4 quận là Humla, Rasuwa, Sindhupalchowk và Sankhuwasabha.

Mới đây, truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin Trung Quốc đã điều hơn 200 phương tiện các loại để xúc đất, chặn sông Galwan – một địa điểm quan trọng ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) – nhằm chiếm ưu thế trong việc tranh chấp biên giới.

(Thanh Niên) – Mực nước đập Tam Hiệp vượt mức kiểm soát, chuyên gia Trung Quốc nói gì? Hôm 21/6, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp chạm tới 147 m, cao hơn mức cảnh báo lũ tới 2 m. Lượng nước chảy vào cũng tăng lên 26.500 m3/giây, từ 20.500 m3/giây của ngày 20/6.

Tình trạng mức nước dâng lên tới mức cảnh báo dẫn tới tin đồn rằng đập Tam Hiệp đang biến dạng (có nguy cơ bị vỡ) và người dân nên sơ tán.

Nhà nghiên cứu Quách Tấn thuộc Viện nghiên cứu địa chấn Trung Quốc bác bỏ tin đồn như trên, khẳng định đập Tam Hiệp có thể chứa lượng nước vào lớn hơn nhiều so với lượng nước hiện nay. Ông Quách lập luận đập được thiết kế để đáp ứng mực nước lên tới 175 m hoặc lượng nước nào 70.000 m3/giây. Do đó, với mực nước 147 m và lượng nước vào 26.500 m3/giây, đập vẫn an toàn, theo ông Quách.

Cũng theo ông Quách, đập Tam Hiệp được trang bị một “hệ thống theo dõi sức khỏe” đa kênh. Hệ thống này sẽ báo động khi có điều bất thường như đập bị biến dạng và việc báo động sẽ diễn ra rất lâu trước khi đập có sự thay đổi có thể nhìn thấy.

Đập Tam Hiệp
Tháng 7/2019, ông Lãnh Sơn – một học giả kinh tế độc lập người Hoa, đã đăng tải bức ảnh biến dạng của đập Tam Hiệp ở Trung Quốc được ghép bởi các hình ảnh chụp từ Google Maps và bày tỏ lo lắng một khi con đập bị vỡ sẽ khiến một nửa Trung Quốc chìm trong nước.

(Tuổi Trẻ) – NISCSS cảnh báo Mỹ – Trung có thể có nguy cơ khủng hoảng hoặc xung đột quân sự. Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc (NISCSS) kêu gọi Mỹ và Trung Quốc giữ các kênh liên lạc quân sự và có các bước ngăn ngừa xung đột giữa lúc quan hệ song phương đang xấu đi.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đối đầu với Trung Quốc và tăng cường quân số tại châu Á – Thái Bình Dương lên 375.000 quân, đưa đến khu vực này 60% tàu của hải quân.

Quan hệ Mỹ – Trung xấu đi trong vài tháng qua với những tranh cãi liên quan đến dịch Covid-19, việc Trung Quốc chỉ trích hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông và Đài Loan.