Bản tin cập nhật trưa 1/7 có những nội dung chính sau:

  • Một quan chức Quảng Ngãi đột quỵ tại bàn làm việc
  • Đàn châu chấu trăm ngàn con hoành hành ở Việt Nam
  • Đề xuất phân loại 17 loại bằng lái xe gây tranh luận
  • Ngành điện lực nói mỗi tháng có hơn 2.000 vụ ghi sai chỉ số côngtơ
  • Đập thủy điện mới khánh thành ở Trung Quốc phá kỷ lục thế giới về độ mỏng.
  • 27 quốc gia ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc xem xét lại luật an ninh Hồng Kông.
  • Nổ lớn tại thủ đô Iran, 19 người thiệt mạng
  • Mỹ chính thức liệt Huawei, ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia
  • Trump ‘ngày càng tức giận’ Trung Quốc

Sau đây là nội dung chi tiết:

Một quan chức Quảng Ngãi đột quỵ tại bàn làm việc

 Chiều qua 30/6, ông Phạm Thanh Tùng, trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bất ngờ đột quỵ tại cơ quan.

Nguồn tin báo Tuổi Trẻ cho hay, ông Tùng đang ngồi xử lý những công việc quan trọng cho đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi thì thấy mệt. Sau khi chia sẻ sự việc với thuộc cấp, ông nói thấy hồi hộp rồi bất ngờ gục xuống bàn làm việc.

Ông Phạm Thanh Tùng, trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi (bên phải) – Ảnh chụp màn hìn báo Tuổi Trẻ.

Một bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi – nơi cấp cứu cho vị trưởng ban nói, ông Tùng bị vỡ mạch máu não, huyết áp tăng lên rất cao (hơn 200), tình trạng rất nặng.

Trong đêm qua, bệnh nhân này được chuyển ra Đà Nẵng điều trị.

Đàn châu chấu trăm ngàn con hoành hành ở Việt Nam

Khoảng 2 tuần qua, hàng trăm ngàn con châu chấu ồ ạt đổ về trú ngụ tại bãi đất trống nằm dọc góc ngã tư đường Đặng Văn Bình – Ngô Thời Nhậm (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp). 

Theo báo Thanh Niên, châu chấu xuất hiện nhiều nhất là những ngày trời nắng. Chúng leo vào tấn công nhà dân, bám dầy tại các hàng rào, cửa nhà. Đàn châu chấu kéo đến làm cuộc sống nhiều người ở Cao Lãnh đảo lộ, gây tâm lý hoang mang.

Lãnh đạo chi cục bảo vệ thực vật Đồng Tháp đang tính phương án dùng giải pháp sinh học để xử lý đàn châu chấu này.

Đề xuất phân loại 17 loại bằng lái xe gây tranh luận

Ông Nguyễn Văn Thanh – chuyên gia giao thông, nói với VnExpress rằng, dù là người trong ngành nhưng thấy “rối mù” khi đọc các hạng bằng lái xe mới theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Như vậy người dân sẽ càng thấy phức tạp, cơ quan chức năng cũng quản lý khó khăn hơn trước.

Vị chuyên gia này ví dụ: “Đơn cử, loại bằng B1 cấp cho người lái ôtô đã quen thuộc với người dân, nay chỉ cấp cho xe ba bánh”.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cũng cho rằng, việc chia nhỏ các loại bằng lái xe là không cần thiết, vì gây khó nhận biết cho người dân và dẫn đến nhiều thắc mắc không đáng có.

Ảnh minh họa.

Trước đó, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đề xuất chia giấy phép lái xe ra thành 17 hạng khác nhau thay vì 13 hạng như hiện nay.

Điểm khiến nhiều người quan tâm trong dự luật mới này là đối với xe máy, quy định trước đây người có bằng lái xe hạng A1 có thể điều khiển xe có dung tích xy-lanh từ trên 50cc đến dưới 175cc; Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, người có bằng A1 chỉ được điều khiển xe có dung tích xy-lanh đến 125cc.

Nếu luật này được thông qua những người đang dùng bằng A1 điều khiển Honda SH 150, Airblade 150, Honda Winner, Yamaha Exciter 135 hay 150 cc và Yamaha NVX sẽ phải cần cấp bằng lái mới.

Với xe hơi, dự luật quy định bằng lái xe hạng B1 sẽ không được phép điều khiển ôtô nữa.

Ngành điện lực nói mỗi tháng có hơn 2.000 vụ ghi sai chỉ số côngtơ

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, trong hai tháng gần đây, có 4.253 trường hợp ghi sai chỉ số tiền điện. Những trường hợp ghi sai này thuộc 10,3 triệu côngtơ điện EVN đang quản lý.

Phía tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn bảo lưu cách giải thích vì sao ghi nhầm. Đó là việc nhân viên ghi chỉ số thủ công, đứng trên cột, nhìn máy tính bảng trong điều kiện nắng chói.

Ba tháng hóa đơn điện giống hệt nhau, EVN nói ‘bình thường’ (ảnh chụp màn hình báo Vietnamnet).

Tựu chung lại, nhiều khách hàng của EVN cho rằng, cách đổi lỗi sai sót do “thời tiết và điều kiện làm việc” của ngành điện đang khá phổ biến dù rất khôi hài. Còn điều khách hàng đặt câu hỏi “có tư lợi, có gian lận khiến giá điện tăng vọt thời gian qua hay không” thì EVN vẫn chưa trả lời thỏa đáng.

Đập thủy điện mới khánh thành ở Trung Quốc phá kỷ lục thế giới về độ mỏng

Đập Ô Đông Đức trên sông Dương Tử – công trình thủy điện lớn thứ tư Trung Quốc và lớn thứ bảy thế giới, với chiều cao gấp rưỡi đập Tam Hiệp vừa hoạt động hôm 29/6 tiếp tục gây lo ngại.

Theo thiết kế được công bố, con đập có dạng vòm cong chắn ngang thung lũng hình chữ V của sông Kim Sa (nhánh của Dương Tử), với chiều cao tối đa 270 mét, nhưng độ dày trung bình của nó chỉ là 40 mét, khiến nó trở thành đập vòm mỏng nhất trên thế giới.

Một góc đập thủy điện Ô Đông Đức (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Dù mỏng mảnh như vậy, nhưng con đập này phải đóng một vai trò quan trọng giúp kiểm soát lũ ở lưu vực sông Dương Tử. Khả năng trữ lũ của đập thủy điện Ô Đông Đức lên tới 2,44 tỷ mét khối và con đập có thể chặn dòng sông tạo thành một hồ chứa, chứa được khoảng 7,4 tỷ mét khối nước. Điều đó cũng có nghĩa, trong trường hợp vỡ đập, sẽ tạo ra một thảm cảnh lũ lụt cho vùng hạ lưu.

27 quốc gia tuyên bố yêu cầu Trung Quốc xem xét lại luật an ninh Hồng Kông

27 quốc gia hôm thứ Ba (30/6) đã cùng ký vào một tuyên bố chung gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc phải xem xét lại luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Bắc Kinh đã chính thức thông qua.

Theo AFP, các quốc gia ký tên vào tuyên bố chung gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Canada, New Zealand, Thụy Sĩ và một số quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu.

Tuyên bố chung có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông hãy xem xét lại việc áp đặt luật này và hãy khuyến khích người dân, các thể chế và nền tư pháp Hồng Kông tham gia vào ngăn chặn việc làm xói mòn hơn nữa các quyền và tự do mà người dân Hồng Kông đã được thụ hưởng trong nhiều năm qua”.

Danh sách này không có Mỹ vì quốc gia này đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền. Một phần dư luận đang mong chờ động thái cứng rắn, quyết liệt từ phía Mỹ nhắm vào Bắc Kinh hơn là các tuyên bố mang nặng tính xã giao.

Trong khi đó, ở phía bên kia, Trung Quốc đang vận hành cao độ bộ máy tuyên truyền sau khi ban hành dự luật. Hoàn Cầu thời báo, tờ báo có tiếng “diều hâu” của Trung Quốc đăng bài nhấn mạnh, luật an ninh quốc gia mới vừa áp lên Hong Kong là ‘một con hổ có răng thật sự’, không phải hổ giấy và đe dọa ‘những ai tiếp tục lạc lối, hãy coi chừng án tù chung thân’.

Nổ lớn tại thủ đô Iran, 19 người thiệt mạng

Hãng tin AP dẫn tin từu Đài Truyền hình Nhà nước Iran cho biết, hôm 30/6 đã xảy ra một vụ nổ tại một phòng khám y tế ở phía Bắc Tehran, khiến 19 người tử vong. Trong số các nạn nhân có 15 phụ nữ.

Giới chức Iran loại bỏ khả năng vụ nổ do bị tấn công khủng bố, hay liên quan đến hoạt động quân sự. Ông Hamidreza Goudarzi, Phó Thống đốc bang Tehran, cho biết, rò rỉ khí gas từ các bình gas y tế trong tòa nhà là nguyên nhân của vụ nổ dẫn đến hỏa hoạn.

Hiện trường vụ việc (ảnh chụp màn hình VTV).

Sự việc này khiến có người đưa ra liên tưởng về “lời nguyền” đối với Iran, rằng mỗi khi họ muốn quốc tế chú ý, thường thì bằng cách nhắm vào Mỹ, thì lại tự chuốc lấy sự vụ thương tâm.

Bằng chứng đưa ra là, tại thời điểm tháng 1/2020, Iran tuyên bố với thế giới sẽ tấn công các khu vực quân sự của Mỹ để trả thù cho cái chết của tướng Soleimani –tư lệnh Lực lượng Quds, trực thuộc Vệ binh Cách mạng Iran. Ngay sau đó, vào ngày 8/1, quân đội nước này đã bắn tên lửa nhầm vào một máy bay của Ukraine, khiến toàn bộ 176 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Mới đây, hôm 29/6, Iran lại phát lệnh truy nã Tổng thống Donald Trump và 35 người khác vì các tội danh “giết người và khủng bố” liên quan tới ba cuộc tấn công tại Baghdad, Iraq hôm 3/1/2020, giết chết Tướng Soleimani. Phía Mỹ đã gọi đây là trò tuyên truyền, lôi kéo của Iran để quốc tế chú ý nhưng nó quá nhạt nhẽo.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, tại Iran đã xảy ra vụ nổ khiến 19 người thiệt mạng như tin đã nêu.

Mỹ chính thức liệt Huawei, ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) hôm 30/6 đã chính thức liệt Huawei và ZTE của Trung Quốc là các mối đe dọa an ninh quốc gia. Theo đó, các nhà cung cấp viễn thông Mỹ sẽ bị cấm sử dụng 8,3 tỷ USD ngân sách liên bang để mua thiết bị từ hai công ty viễn thông Trung Quốc này.

 Reuters dẫn lời Chủ tịch FCC Ajit Pai nói trong tuyên bố phát đi hôm 30/6: “Chúng tôi không thể và sẽ không cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác các lỗ hổng an ninh của mạng di động và gây tổn hại cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của chúng ta”.

Bà Mạnh Vãn Châu đươc biết đến là “công chúa Huawei” mới được tòa án Canada cho bảo lãnh tại ngoại (ảnh chụp màn hình Reuters).

“Cả hai công ty này đều có quan hệ gần gũi với Đảng Cộng sản Trung Quốc và bộ máy quân đội Trung Quốc, và cả hai công ty phải tuân thủ sâu rộng luật pháp Trung Quốc, buộc họ phải có nghĩa vụ hợp tác với các cơ quan tình báo nhà nước”, ông Ajit Pai nói thêm.

Trump ‘ngày càng tức giận’ Trung Quốc

Tổng thống Trump viết trên Twitter, nơi ông có hơn 80 triệu người dõi theo rằng “khi chứng kiến đại dịch tồi tệ lan rộng khắp thế giới, trong đó có cả những tổn thất to lớn mà nó gây ra cho nước Mỹ, tôi ngày càng tức giận hơn với Trung Quốc. Mọi người có thể thấy điều đó, và tôi cũng cảm nhận được”.

Đây không phải lần đầu ông Trump tức giận với Trung Quốc. Hồi tháng 5, ông Trump từng cảnh báo sẽ cắt đứt toàn bộ mối quan hệ với Trung Quốc và lặp lại lời nói này vào ngày 18/6.

Hiện giới quan sát đang tiếp tục dõi theo các động thái từ Tổng thống Trump để chờ xem ông sẽ đưa ra những quyết sách nào tiếp theo đối với chính quyền Trung Quốc.

Bản tin cập nhật trưa 1/7 xin kết thúc tại đây. Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!