Từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2016 đến khi đảm nhiệm vị trí Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump luôn coi Trung Quốc là đối thủ chính trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, hàng loạt chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Trump đã xoay quanh Trung Quốc. Bước sang nhiệm kỳ hai, dù các động thái chưa thể hiện rõ ràng ngay từ đầu, nhưng khi xem xét kỹ, có thể thấy rằng cuộc chiến lớn nhất mà Hoa Kỳ đang nhắm tới vẫn là Trung Quốc.

1. Nội các và nhân sự quan trọng 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai, các vị trí chủ chốt trong chính quyền Trump đều được giao cho những cá nhân có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua việc bổ nhiệm các quan chức phụ trách các lĩnh vực quan trọng như Ngoại trưởng, Cố vấn an ninh quốc gia, Giám đốc CIA…

2. Chiến tranh thương mại: Trung Quốc là mục tiêu chính 

Một trong những chính sách đầu tiên của nhiệm kỳ hai là đánh thuế lên hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi thuế quan đối với Canada và Mexico được hoãn 30 ngày thì các mức thuế đối với Trung Quốc lập tức có hiệu lực. Đặc biệt, việc chấm dứt chính sách ưu tiên với các gói hàng nhỏ, vốn có 60% đến từ Trung Quốc cho thấy nó vẫn chủ yếu nhắm tới đối thủ chính yếu này.

3. Truy tìm nguồn gốc COVID-19 

Một trong những vấn đề Trung Quốc luôn phản ứng rất quyết liệt, mà chính quyền TT Trump thể hiện thái độ kiên quyết theo đuổi là truy tìm nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Cả Giám đốc CIA và những nhân vật có ảnh hưởng như Elon Musk đều thể hiện quan điểm rằng virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán. Điều này cho thấy chính quyền Trung Quốc thời gian tới sẽ phải đối diện với những vấn đề rất nhức nhối với Mỹ.

4. Quan hệ với đồng minh và đối tác chiến lược 

Các động thái ngoại giao của chính quyền Trump cũng thể hiện chiến lược đối phó Trung Quốc một cách rõ nét:

  • Cuộc gặp đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ là với nhóm Bộ tứ gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ – một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
  • Chuyến thăm tới các nước Trung Mỹ như Nicaragua và Panama cũng mang ý nghĩa quan trọng, bởi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại các khu vực này thông qua đầu tư hạ tầng và kiểm soát các tuyến đường biển chiến lược, đặc biệt là kênh đào Panama. Tổng thống Panama ngay sau chuyến thăm này đã tuyên bố rút khỏi sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc.

5. Cuộc chiến Nga – Ukraine và vai trò của Trung Quốc 

Dù không trực tiếp tham chiến, Trung Quốc đã tận dụng xung đột Nga – Ukraine để mua dầu và tài nguyên giá rẻ từ Nga, kéo Moscow về phía Bắc Kinh. Để phá vỡ sự liên kết này, chính quyền Trump đã đề xuất việc mời Nga quay lại nhóm G8 và tìm cách chấm dứt chiến tranh, từ đó làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga. Nếu Mỹ thành công, Nga sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và điều này sẽ làm suy yếu chiến lược đối trọng của Bắc Kinh với phương Tây.

6. Chính sách quốc phòng và Châu Âu 

TT Trump đã kêu gọi châu Âu gia tăng đầu tư vào quốc phòng để Mỹ có thể tập trung nguồn lực vào cuộc đối đầu với Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua các bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng, gây sức ép để châu Âu cần tự chủ hơn trong vấn đề an ninh. Nhiều quốc gia châu Âu ngay sau đó vào ngày 17 tháng 02 đã lập tức có cuộc họp khẩn về vấn đề việc tăng chi phí quốc phòng.

7. Trung Đông: Tấn công gián tiếp vào ảnh hưởng của Trung Quốc 

Tại Trung Đông, Trump đã có cách tiếp cận mới nhằm giảm sự can thiệp của Mỹ vào khu vực này, đồng thời nhắm vào các lực lượng cực đoan được Iran hậu thuẫn. Trong khi Iran bị phương Tây cấm vận, Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ nước này bằng cách mua dầu và tài nguyên giá rẻ. Chính quyền TT Trump tiếp tục chính sách áp lực tối đa làm suy yếu Iran, đồng thời sẵn sàng trừng phạt nặng các nước làm ăn với Iran, làm Trung Quốc mất đi một nguồn cung chiến lược, đồng thời giảm khả năng gây bất ổn khu vực của Tehran.

8. Diễn biến tương lai: Cuộc chiến cuối cùng là với Trung Quốc 

Mặc dù các động thái ban đầu của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ hai chưa trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, nhưng khi phân tích kỹ các chính sách từ thương mại, ngoại giao, quốc phòng đến chiến lược toàn cầu, có thể thấy rằng Bắc Kinh vẫn là mục tiêu cuối cùng. Các sự kiện sắp tới, bao gồm cuộc gặp đang được xúc tiến khẩn trương giữa TT Trump và TT Putin tại Ả Rập Xê Út, có thể mang đến những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung.

Dù bằng cách tiếp cận trực diện hay gián tiếp, chính quyền TT Trump vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chính trong mối quan hệ quốc tế. Từ lĩnh vực thương mại, ngoại giao, kinh tế, đến quân sự và các giá trị… mọi chính sách của Mỹ dưới thời Trump đều hướng đến việc hóa giải sự bành trướng trên mọi lĩnh vực của Trung Quốc đối với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.