“Có lúc cơm đã hết mà vẫn có người nhắn tin xin đồ ăn, tôi lấy luôn chỗ bún còn lại của quán cho mọi người, hy vọng có thể giúp họ qua bữa”, anh Tự – chủ quán ăn chia sẻ.

Nghe về hoàn cảnh khó khăn của nhiều người dân khu vực phong tỏa, đặc biệt là những công nhân ở trọ bị mắc kẹt, anh Nguyễn Văn Tự (sinh năm 1985, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) bồn chồn không yên.

Chủ quán ăn nấu hàng nghìn suất cơm tặng công nhân vùng dịch

Ngày 18/5, anh Tự quyết định nấu khoảng 400 suất cơm, tặng những người khó khăn trong khu vực Yên Dũng. Vì là hành động tự phát, anh chia sẻ lên trang cá nhân nhờ người thân thông báo đến công nhân trong các khu nhà trọ để mọi người được biết.

“Tôi vốn kinh doanh quán ăn nên dụng cụ đựng hay bếp có sẵn. Tuy nhiên, tiền nguyên vật liệu đều do tôi bỏ tiền ra chi trả”, anh Tự nói với Zing.

Ảnh chụp màn hình trên Zing.

Một số hàng xóm, bạn bè và người thân biết tin cũng đến phụ giúp ông chủ quán cơm một tay. 400 suất ăn được anh Tự và mọi người chuẩn bị nhanh chóng phân phát hết trong ngày đầu tiên.

“Nhiều công nhân tội lắm. Họ là người từ tỉnh khác về làm việc, không có người thân ở đây. Việc phong tỏa gấp khiến nhiều người lâm vào tình cảnh khó khăn, có người kể mấy ngày qua toàn ăn mì tôm trừ bữa”, anh nói.

Cũng sau lần phát cơm đầu tiên, một số nhà hảo tâm biết đến hoạt động nên quyên góp chút tiền, nguyên liệu phụ anh Tự.

Ngày thứ 2 của hoạt động, nhóm anh Tự nấu kỷ lục 850 suất. Anh tự nhờ các chủ khu trọ đại diện đến lấy các suất ăn về phát cho công nhân trong khu cách ly.

“Có lúc cơm đã hết mà vẫn có người nhắn tin xin đồ ăn, tôi lấy luôn chỗ bún còn lại của quán cho mọi người, hy vọng có thể giúp họ qua bữa”, anh bày tỏ.

Vì không thể kinh doanh nên nguồn thu nhập của anh Tự cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, dù có lòng, anh sợ không thể tiếp tục được hoạt động tặng cơm quá lâu. Anh dự kiến duy trì trong vài ngày tới, ưu tiên những người chưa được nhận trong 2 ngày qua rồi tính tiếp.

Ảnh chụp màn hình trên Zing.

“Có thể giúp được mọi người, dù là qua cơn đói 1, 2 ngày, tôi cũng rất vui. Phần lớn người dân, công nhân ở đây còn khó khăn, chẳng mấy ai có tiền tiết kiệm để xoay xở trong hoàn cảnh thế này. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi người trở lại nhịp sống cũ”, anh Tự trải lòng.

Chủ nhà trọ đang mang bầu vẫn chạy đi mua lương thực cho người thuê trọ

Theo VnExpress, cùng thời điểm này tại thôn My Điền, huyện Việt Yên (Bắc Giang) cũng bị phong toả. Chị Hoàng Thị Nhàn đang mang bầu tháng thứ 5 cũng tất bật chạy ngược chạy xuôi đi mua nhu yếu phẩm tiếp tế cho công nhân đang trọ nhà mình, mỗi suất hơn 100.000 đồng. Nhà chị hiện có 38 phòng trọ, với khoảng 60 người đang ở.

Chị Nhàn cũng lên mạng xã hội kêu gọi mọi người ủng hộ cho những công nhân bị mắc kẹt trong khu cách ly mà không có đồ ăn do lệnh phong toả đột ngột.

Ảnh chụp màn hình trên VnExpress

“Nhiều người là dân tộc thiểu số, vừa đặt chân đến khu công nghiệp thì dịch bệnh. Tiếng Kinh của họ không sõi, người thân cũng không có. Họ thường ở trọ trong các ngõ sâu nên những ngày đầu phong tỏa, các đoàn tiếp tế chưa biết để giúp”, chị Nhàn kể.

Trên mạng xã hội, hễ thấy ai có khả năng trở thành mạnh thường quân, Nhàn lập tức vào nhắn tin, “kêu khổ” hộ các công nhân ngoại tỉnh. Một trong những mạnh thường quân đầu tiên mà chị cầu cứu là anh Nguyễn Tuấn Anh, 34 tuổi, người ở cách tâm dịch chỉ 1,5 km.

Ảnh chup màn hình VnExpress.

Sau đó, hai người bỗng dưng trở thành đầu mối của một mạng lưới tiếp tế. Anh Tuấn Anh là điểm tiếp nhận ở ngoài vùng phong tỏa, chị Nhàn và bạn bè ở trong vùng phong tỏa nhận hàng hóa, chia nhỏ, chuyển về các nhà trọ để phát cho công nhân.

“Tất cả cũng chỉ như muối bỏ biển vì công nhân quá đông”, bà chủ trọ kể. Hiện tại, ba thôn My Điền có khoảng 20.000 người thuê trọ.

Cũng nhờ hiệu ứng lan tỏa từ tấm lòng của những người như anh Tuấn Anh, chị Nhàn; mấy ngày qua, hàng loạt mạnh thường quân đã hối hả chuyển hàng cứu trợ về tâm dịch. Tin nhắn dội về máy anh Tuấn Anh nhờ nhận hàng cứu trợ nhiều hơn. Chị Nhàn cũng bận chia, phát đồ cho công nhân, quên mình đang mang bầu, phải tránh tiếp xúc. Những mạnh thường quân từ các nơi hẳn đều hiểu rằng, 95.000 công nhân ở trọ tại huyện Việt Yên đang bị “mắc kẹt” rất cần sự cứu trợ lương thực và các mặt hàng thiết yếu.