Cứ nghĩ để bảng miễn phí sẽ có nhiều người đến ăn, “nhưng người nghèo họ tự trọng lắm có người không đồng ý việc ăn miễn phí…”. Phần lớn đều do vợ chồng chị Mai chủ động ra mời.

Quán bún riêu Minh Cận của vợ chồng Chị Trần Thị Quỳnh Mai đang mang bầu ở tháng thứ 4 (37 tuổi, ở địa chỉ 135A đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, TP. HCM) duy trì tới nay cũng được 7 tháng. Trước đây chị Mai làm ở công ty chế biến suất ăn công nghiệp. Sau khi lấy chồng, chị nghỉ làm và mở quán bún riêu này.

Trước cửa quán có dòng chữ với lời mời: “Nếu khó khăn xin mời vào. Quý khách sẽ được miễn phí, trân trọng”.

Lời mời lịch sự và tế nhị của vợ chồng chị Quỳnh Mai nhận được nhiều lời khen và ủng hộ của bà con nơi đây (ảnh chụp màn hình trên Dân Trí).

Sau khi mở quán được một thời gian ngắn, chị Mai thấy con đường này có nhiều người già, khó khăn, như các cô chú lớn tuổi, tàn tật, người khiếm khuyết bán vé số, bán hàng rong, thậm chí đi nhặt chai nhựa hoặc giấy vụn nên muốn hỗ trợ phần nào bằng những bữa ăn miễn phí với tinh thần “đùm bọc nhau”.

Bởi từ trước tới nay, mỗi khi đến dịp rằm hoặc đầu tháng gia đình chị đều có hoạt động từ thiện là phát cơm miễn phí cho người nghèo, nay muốn làm thường xuyên hơn.

“Người càng nghèo họ càng tự trọng”

“Ai cũng nghĩ quán miễn phí sẽ đông người đến ăn, nhưng người nghèo họ tự trọng lắm, vợ chồng tôi hiểu được điều đó, nên ở đây không phải cho hay phát mà chúng tôi mời”, chị Mai chia sẻ với Dân Trí.

Chị Mai chủ động ra mời khách vào ăn miễn phí vì nhiều người nghèo nhưng họ có tự trọng (ảnh chụp màn hình trên Thanh Niên).

Mặc dù tấm lòng chân thành, cứ nghĩ để bảng miễn phí sẽ có nhiều người đến ăn, nhưng không phải lúc nào mời thì mọi người cũng đồng ý, những ngày đầu, nhiều người tỏ ra ngại ngùng và không ai ghé ăn miễn phí.

Phần lớn đều do vợ chồng chị chủ động ra mời. Nhưng cũng có nhiều người không đồng ý việc ăn miễn phí, họ ngại nên sẽ trả cho chị 5 ngìn hoặc 10 ngìn, có người cho chị tờ vé số lấy hên.

“Họ thật sự muốn ăn thì họ vào, có nhiều người mời vào nhưng họ vẫn trả tiền và tặng tôi 1 tờ vé số như để chúc tôi may mắn vậy đó. Thật ra tôi cảm nhận được rằng, người càng nghèo thì càng tự trọng”, chị Mai nói trên Thanh Niên.

Mẹ bầu với tấm lòng lương thiện mong con lớn lên cũng giống bố mẹ

Đang mang bầu mà vẫn làm lụng sớm khuya, bà chủ quán bún riêu vẫn luôn vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày khi được làm việc thiện giúp người khác, khi nhắc đến việc mang bầu làm việc như vậy chị có đảm đương được hết công việc không?

Chị mai vui vẻ nói: “Trộm vía chắc em bé cũng quen với việc mẹ bận rộn rồi, thành ra cũng ổn. Trời thương, hai mẹ con vẫn khỏe. Cũng có thể do mình làm việc thiện nên mọi thứ rất suôn sẻ với mình”. Mỗi ngày, mẹ bầu bán được khoảng 80 – 120 tô bún riêu.

Chị Mai mong muốn con gái mình sau này cũng có tấm lòng lương thiện giống bố mẹ (ảnh chụp màn hình trên Thanh Niên).

Chị Mai có thói quen giúp đỡ người khác, làm việc thiện từ lúc còn đi làm công ty. Mỗi ngày cuối tuần thường rủ đồng nghiệp và các anh chị quản lý mua rau củ hoặc nấu đồ chay cho người già, trẻ em ở chùa, phát cơm ở cổng bệnh viện, lâu lâu lại quyên góp quần áo cũ. Với chị, mỗi lần làm vậy là lại cảm thấy vui vẻ, thoải mái.

Hai bàn tay đặt lên bụng, bà chủ quán bún riêu mỉm cười nói: “Tôi bắt đầu làm những công việc thiện từ lúc chưa có em bé, đến bây giờ khi có em bé rồi thì mong con mình sẽ thừa hưởng được lòng thương người từ mẹ”.

Đồng cảm với những “vị khách đặc biệt”

Mỗi khi khách ghé ăn, chị Quỳnh Mai không bao giờ hỏi đến công việc hay hoàn cảnh của họ bởi đối với vợ chồng chị, mời một bữa ăn đã là một sự tế nhị.

“Thứ mà vợ chồng tôi giúp họ đều dựa trên cảm nhận vì thấy họ khổ thôi, cũng nhiều người không thật sự khó khăn thì điều đó hoàn toàn không quan trọng vì điều mình cho đi rất nhỏ bé”, bà bầu tâm sự trên Dân Trí.

Ông Ba (87 tuổi, ngụ tại huyện Cần Giờ) là một trong những vị khách quen thuộc của quán. Ông Ba cho biết, ông thường đạp xe từ Cần Giờ qua Nhà Bè bán vé số dạo, biết quán từ những ngày đầu mở bán nhưng không dám ghé ăn vì ngại, 3 tháng gần đây ông mới bắt đầu ăn bún riêu ở quán vì chủ quán quá nhiệt tình mời.

Ông Ba với túi bún riêu được anh Minh múc sẵn để mang về cho bữa trưa (ảnh chụp màn hình trên Dân Trí).

“Tụi nó thương tôi nên lần nào vào quán mời khách mua vé số cũng “bắt” ăn một tô rồi đi bán tiếp, nhiều khi thấy tôi ngại đi vội thì vợ chồng lại múc sẵn vào bì rồi đưa cho tôi. Tôi xúc động và cảm ơn 2 vợ chồng lắm”, ông Ba chia sẻ.

Thời điểm dịch Covid-19, doanh thu sụt giảm nhiều, ban đầu anh chị định tạm ngừng việc kinh doanh cũng như không mời miễn phí nữa, nhưng sau đó vợ chồng chị quyết định vẫn duy trì việc này.

“Tôi nghĩ, mình kinh doanh đã gặp khó khăn thì những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình rồi sẽ ra sao? Người ta cần nhất là những lúc khó khăn như vậy… Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi tiếp tục duy trì việc bán quán ăn cũng như vẫn cho người có hoàn cảnh khó khăn ăn miễn phí”, chị Mai trải lòng.

Từ thời điểm mở quán cho đến nay, lượng khách tăng lên dần, tuy nhiên số người có hoàn cảnh khó khăn ghé quán cũng không nhiều như ban đầu anh chị dự tính.

Chị Mai kể: “Chúng tôi dự trù mỗi ngày sẽ cho từ 10-15 tô, nhưng thường cao nhất cũng chỉ 5 người đến ăn miễn phí”.

Tuy nhiên, với tấm lòng của vợ chồng chị Mai, không chỉ những người khó khăn mà các thực khách ghé quán cũng cảm thấy hạnh phúc và ấm lòng bởi sự tử tế và chân thành của cặp anh chị.