“Xe đi qua nhà, tôi hay hú còi một tiếng dài để làm tín hiệu cho con gái. Thế rồi mỗi lần thấy tiếng còi xe cấp cứu, cháu đều chạy ra cổng ngóng bố”, anh Cường chia sẻ.

‘Dù muốn ôm con vào lòng, tôi vẫn kìm nén’

Anh Trần Minh Cường (sinh năm 1988, nhân viên lái xe cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An) kể, từ khi TP Vinh tái bùng dịch, những chuyến xe của anh có nhiều người là F0, F1, F2. Cũng từ đó, cuộc sống sinh hoạt của anh và gia đình nhỏ đã thay đổi; nhất là việc giao tiếp giữa các thành viên gia đình.

Khoảnh khắc cô con gái ngóng bố được chị gái của anh Cường chụp lại rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Khoảnh khắc cô con gái ngóng bố được chị gái của anh Cường chụp lại rồi đăng tải lên mạng xã hội.

Anh Cường kể với báo Zing, nhiều lần đi làm nhiệm vụ qua nhà, anh chỉ dám nhìn từ xa, tránh tiếp xúc với người thân để đảm bảo an toàn. Dù rất nhớ cô con gái Diệp Chi (5 tuổi) nhưng anh luôn ý thức việc phải giữ gìn an toàn cho người tiếp xúc.

“Bình thường khi có dịp chạy xe đi qua nhà, tôi hay hú còi một tiếng dài để làm tín hiệu cho con gái. Thế rồi mỗi lần thấy tiếng còi xe cấp cứu, cháu đều chạy ra cổng ngóng bố. Dù rất nhớ, muốn ôm con vào lòng, tôi vẫn kìm nén, chỉ dám đứng từ xa, vẫy tay cho cháu vui”, anh Cường nói.

Còn với Diệp Chi, cô bé vốn thân thiết với bố, nay cũng phải chấp nhận cảnh hai bố con gặp nhau qua cánh cổng nhà; tạm không được thấy và được bố ôm, nô đùa.

“Mẹ thật tiếc vì không được chứng kiến bước đi đầu đời của con”

Cũng như anh Cường, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy – Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cũng phải gác lại nỗi nhớ con để làm nhiệm vụ chống dịch. Vào giữa tháng 6, khi dịch bùng lên ở Sài Gòn, chị được nhận nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Nhận nhiệm vụ này, chị Thúy biết mình sẽ phải cách ly với con nhỏ ít nhất một tháng; và chị cũng chưa biết khi nào sẽ được trở về nhà, khi mà dịch càng ngày càng phức tạp.

Bác sĩ Thúy cũng có con nhỏ hơn 10 tháng chưa dứt sữa mẹ, theo báo Tuổi Trẻ. Hồi mới cách ly con, ở viện 24/24h, chị Thúy xót xa khi mỗi lần đến cữ lại vắt sữa rồi phải đem bỏ đi. Cho đến khoảng một tuần sau, một bệnh nhi 7 tháng tuổi, nhiễm Covid-19 từ người mẹ được chuyển đến bác sĩ Thúy chăm sóc; từ đó những giọt sữa quý của chị Thúy không còn bị bỏ phí. Nhìn em bé 7 tháng tuổi bú dòng sữa của mình rồi cưới nhíu cả mắt, chị Thúy như được an ủi, phấn khởi lên nhiều.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy - khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương - cho em bé mắc Covid-19 mới 7 tháng tuổi uống sữa. Ảnh được đồng nghiệp chung êkip trực với bác sĩ Thúy chụp lại
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy – khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương – cho em bé mắc Covid-19 mới 7 tháng tuổi uống sữa. Ảnh được đồng nghiệp chung êkip trực với bác sĩ Thúy chụp lại

Nhưng người mẹ ấy cũng có lúc chạnh lòng khi nghĩ đến con trai ở nhà. Chị viết lên trang cá nhân: “Mẹ nghĩ sẽ dành thật nhiều thời gian bên cạnh con, nhưng chưa bao giờ nghĩ lại phải xa con thật nhanh và nhiều như thế này. Con trai lúc gặp lại mẹ chắc sẽ biết đi rồi, mẹ thật tiếc vì sẽ không được chứng kiến tận mắt những bước đi đầu đời của con”, bác sĩ Thúy gửi gắm đến con trai trong những ngày cùng đồng nghiệp vất vả chống dịch.