Một ngày sau vụ tai nạn, phía nhà trường cũng như lãnh đạo địa phương chưa có thông tin cụ thể về quá trình xây dựng cũng như kết cấu của cổng trường tiểu học Khánh Yên Thượng. Tuy nhiên, nhìn vào các hình ảnh chụp hiện trường, nhiều người đặt câu hỏi về thiết kế và chất lượng xây dựng các công trình giáo dục ở miền núi – những nơi có địa hình nguy hiểm.

Một độc giả ký tên Tô Vũ trên báo VTC viết: “Là một kỹ sư xây dựng, tôi thực sự kinh ngạc khi nhìn thấy hình ảnh cột cổng không có một chút bê tông cốt thép nào. Thật không thể tưởng tượng nổi là ai có thể thiết kế ra cái công trình kinh ngạc đến như thế? Trước mắt cơ quan chức năng cần kiểm tra bản vẽ hoàn công của kết cấu cổng này để xem có đúng như thực tế hay không? Nếu đúng là như thế thì đơn vị thiết kế cần có câu trả lời và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu như thiết kế tính toán đúng thì đơn vị thi công và giám sát của Chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Ý kiến trên trùng với quan điểm nhiều độc giả của Tuổi Trẻ. Độc giả Võ Tá Luân cho rằng: “Trụ cổng chịu lực không được làm bằng trụ bê tông mà làm bằng gạch thế này đổ gãy chỉ là sớm hay muộn mà thôi”.

Độc giả ký tên Chính Hùng phân tích: “Bình thường, các trụ cổng xây rất chắc chắn, phải có lực rất lớn tác động mới phá hủy được! Đây chỉ có mấy cháu nhỏ đùa nghịch mà đổ. Cho dù có bị xói mòn cũng khó mà dễ dàng đổ như vậy được! Hiện trường cho thấy sự phong hóa xói mòn tác động rất ít! Không thể là nguyên nhân chính! Hoàn toàn tán thành việc kiểm tra rà soát tất cả các điểm trường! Nên làm ngay và khẩn trương, tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra tiếp diễn!”.

Theo xác nhận vào tối 7/9 của ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT), thời gian qua có một số công trình trường học được xây dựng từ lâu, xuống cấp, hư hỏng dẫn đến một số sự việc như: sập nền nhà vệ sinh, sập sàn của phòng học, sập lan can…

Qua sự việc tại Lào Cai, Bộ Giáo dục đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học, kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.

Cũng trong tối 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các cháu bị nạn và thăm hỏi gia đình, các cháu bị thương đang được chữa trị.

Ông Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo Thủ tướng.

Bộ Giáo dục và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học, nhất là trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn cho học sinh ngay từ đầu năm học 2020-2021.

Trước đó, khoảng 13h30 ngày 7/9, một nhóm học sinh gồm 6 em rủ nhau chơi đùa, đánh đu trên cánh cổng trường phân hiệu Bản Phung thuộc Trường tiểu học Khánh Yên Thượng. Trong khi các em chơi đánh đu, cánh cổng và trụ cổng bất ngờ đổ xuống đè lên các em.

Ba học sinh tử vong là G.T.D (sinh năm 2015, học lớp mầm non ghép), V.T.H.T (sinh năm 2014, học sinh lớp 1), M.T.X (sinh năm 2014, học sinh lớp 1).

Ba học sinh bị thương là G.T.H.S (sinh năm 2015, học sinh lớp mầm non ghép), G.A.V (sinh năm 2016, lớp mầm non ghép) và M.T.C (sinh năm 2014, học sinh lớp 1). Hiện các em được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn.

Tại hiện trường, cổng trường nằm trên một con dốc, cách mặt đường tầm 2m, một trụ gạch đổ, gãy làm đôi cùng một cánh cổng sắt cao 2m, có chắn song đã đổ xuống đất.

Cột trụ không bê tông cốt thép?!
Ảnh chụp màn hình báo VTC.
Sập cổng trường ở Lào Cai, 6 học sinh thương vong
Học sinh lớp 1 giải có ba hình vuông và một tam giác, giáo viên gạch sai
Thêm 21 ca nhiễm Covid-19; Hơn 350 học sinh Quảng Ngãi phải dừng thi