Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad sẽ từ nhiệm và rời Bắc Kinh về Mỹ trước cuộc bầu cử cho vị trí Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 để giúp Tổng thống Donald Trump vận động tranh cử.

Theo CNN, thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ  và Trung Quốc ngày càng gia tăng trên một số phương diện. Vào ngày 11/09 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế không xác định đối với các nhà ngoại giao và nhân viên cấp cao của Mỹ ở Trung Quốc sau khi Washington áp dụng một biện pháp tương tự vào ngày 03/09 hướng vào đoàn ngoại giao của Bắc Kinh.

Ông Branstad là bạn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ những năm 1980, vai trò đại sứ của ông ngày càng trở nên khó khăn trong những tháng gần đây khi mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng trong bối cảnh đại dịch coronavirus. Ông Branstad cuối cùng đã không thể tận dụng mối quan hệ cá nhân để mang lại lợi ích cho quan hệ song phương Mỹ – Trung.

Tổng thống Trump đã nhắc đến đến đại sứ Mỹ tại Trung Quốc sắp mãn nhiệm Terry Branstad và con trai của ông là Eric Branstad – người là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử Trump Victory 2020  trong cuộc điện thoại với Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Iowa là Joni Ernst.

Một nhiệm kỳ chông gai

Ban đầu việc bổ nhiệm ông Terry Branstad đã được Bắc Kinh hoan nghênh, với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang ca ngợi ông là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”.

Nhưng ông Branstad đã phải làm việc ở một trong những giai đoạn khó khăn nhất của quan hệ Mỹ-Trung những năm gần đây. Kể từ khi được bổ nhiệm, chính quyền Trump đã áp thuế lên hàng trăm tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại kéo dài. Đồng thời cấm các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và cơ sở hạ tầng truyền thông của nước này sử dụng các linh kiện của Mỹ, đồng thời thắt chặt các hạn chế về thị thực đối với các nhà báo truyền thông nhà nước Trung Quốc làm việc tại Mỹ.

Vào ngày 9/9, ông Branstad có viết một bài gửi tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, trong đó ông cáo buộc chính phủ Trung Quốc “lợi dụng” sự cởi mở của Hoa Kỳ trong những thập kỷ gần đây. Bài viết này đã bị cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhân dân Nhật báo từ chối xuất bản vì “không phù hợp nghiêm trọng với sự thật.”

Bức thư từ chối xuất bản của tờ Nhân dân Nhật báo viết: “Nếu ông muốn xuất bản bài này trên Nhân dân Nhật báo, ông nên sửa đổi nội dung của các sự việc theo nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Pompeo cáo buộc tờ Nhân dân Nhật báo là “đạo đức giả”, nói rằng nếu chính phủ Trung Quốc là một cường quốc đúng nghĩa, họ sẽ “tôn trọng quyền để các nhà ngoại giao phương Tây nói chuyện trực tiếp với người dân Trung Quốc.”

Stephen Orlins, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung cho biết: “Ông ấy là một người tốt, đặc biệt nếu ông ấy trở lại có khả năng đóng một vai trò nào đó trong chính quyền Trump lần tới. Branstad sẽ nói về việc đối đầu với Trung Quốc là cần thiết như thế nào để cứu nông dân Mỹ”.  

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý về khu vực Châu Á không biết chính quyền của Tổng thống Trump có kế hoạch đề cử một đại sứ mới nào tại Trung Quốc từ nay đến ngày bầu cử, phần lớn họ bị bất ngờ trước sự ra đi của ông Branstad vào thời điểm này.