Điểm tin kinh tế 25/05/2020: Anh chuẩn bị loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G; ông chủ Facebook giàu thứ 3 thế giới.

Anh thông báo kế hoạch loại bỏ Huawei ra khỏi mạng lưới 5G 

Theo The Verge, dẫn lo ngại về an ninh quốc gia, các thành viên của Đảng bảo thủ Anh đang có kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng thiết bị của Huawei khỏi cơ sở hạ tầng 5G của Anh từ năm nay và đến năm 2023 sẽ loại bỏ hoàn toàn.

Trước đó vào tháng 1/2020, Thủ tướng Anh vẫn có ý định sử dụng thiết bị của Huawei vào mạng 5G, chỉ hạn chế số lượng mua thiết bị Huawei cho các phần nhạy cảm của mạng di động.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ cho biết sẽ xem xét lại quan hệ tình báo với Anh nếu Anh tiếp tục sử dụng công nghệ của Huawei, thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang cân nhắc việc loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G Anh.

Chính quyền của ông Donald Trump luôn cho rằng công nghệ của Huawei là công cụ hỗ trợ cho công tác gián điệp và tình báo Trung Quốc. Nếu Anh sử dụng các công nghệ này thì nguy cơ rò rỉ thông tin bí mật an ninh quốc gia là rất cao.

Mark Zuckerberg – ông chủ Facebook trở thành người giàu thứ 3 thế giới sau covid

Sau hậu Covid chứng kiến hàng loạt sự ra đi các khối tài sản khổng lồ của các ông lớn về dầu mỏ, hàng không, du lịch, thì có một người đi ngược chiều gió Covid, đó chính là Mark Zuckerberg – ông chủ Facebook.

Theo Business Insider, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã tăng thêm hơn 30 tỷ đô la vào tài sản của mình chỉ sau hai tháng.

Theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index được cập nhật vào ngày 21/5, Zuckerberg hiện có giá trị ước tính lên tới 87,8 tỷ đô la, vượt lên trên các tỷ phú như Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway Warren Buffett và  ông trùm thời trang Bernard Arnault.

Facebook đã  tạo ra 17,74 tỷ đô la và thu hút 1,73 tỷ người dùng trong ba tháng đầu năm 2020. Công ty cũng báo cáo đã đạt 3 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn bộ hệ ứng dụng, bao gồm Instagram, bao gồm Instagram, WhatsApp và Messenger. Đến sáng hôm sau, cổ phiếu Facebook đã tăng vọt tới 8%, khiến công ty tăng thêm 44 tỷ đô la giá trị thị trường.

Hiện tại, Zuckerberg đứng thứ ba trong danh sách những người giàu nhất sau CEO Amazon Jeff Bezos và nhà sáng lập Microsoft Bill Gates.

Ngân hàng nhà nước xem xét điều chỉnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro

Theo Báo Đầu tư online, trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid 19, nợ xấu các Ngân hàng thương mại tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh trong quý I/2020, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang cân nhắc tới việc giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro.

Trước đó, ngày 13/03/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020 cho phép các NHTM được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ giúp các NHTM giảm bớt được chi phí trích lập dự phòng. Tuy nhiên do tác động của Covid quá mạnh nên vẫn làm lợi nhuận các nhà băng sụt giảm mạnh. Việc giảm trích lập dự phòng sẽ giúp các nhà băng giảm gánh nặng chi phí, giúp họ có thêm  khả năng giảm lãi suất cho vay với khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN cần cân nhắc kỹ lưỡng vì nếu giảm trích lập dự phòng nhiều quá sẽ không đủ đảm bảo an toàn cho hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Tiki và Sendo đạt được thỏa thuận sáp nhập

Theo DealStreetAsia, hai trang thương mại điện tử Tiki và Sendo đã đồng ý sáp nhập. 

Việc sáp nhập 2 trang thương mại điện tử này hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, và vốn là một trong yếu tố quyết định then chốt của ngành này.  Tại Việt Nam có 4 trang thương mại điện tử lớn, ngoài Sendo và Tiki, hai trang thương mại điện tử còn lại là Shopee và Lazada đều có sự hậu thuẫn từ các ông lớn nước ngoài là SEA và Alibaba. Riêng Shopee mặc dù bước vào thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn nhưng tốc độ phát triển rất ngoạn mục. Hiện tại Shopee đã là trang thương mại điện tử dẫn đầu Việt Nam về số lượng người tham gia.

Đặc thù của việc kinh doanh trang thương mại điện tử cần trường vốn. Thời gian đầu cần chấp nhận lỗ, sau khi đã có được nguồn khách hàng ổn định sẽ bắt đầu thu lợi nhuận. Hiện tại, các trang thương mại điện tử đều báo lỗ. Theo thông tin trên CafeF, lỗ lũy kế của Tiki và Sendo đến cuối năm 2018 lần lượt là 

1.395 tỷ và 1.253 tỷ. Lazada đến 31/03/2019 lỗ luỹ kế hơn 7.100 tỷ, Shopee lỗ hơn 2.700 tỷ.

Như vậy với sự sáp nhập của Tiki và Sendo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tạo thế kiềng ba chân gồm: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Trong thời gian tới cuộc đua giữa các trang thương mại điện tử kỳ vọng rất cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn sau hậu Covid.