Giám đốc phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán từng báo động về vấn đề an toàn trong các phòng thí nghiệm có cấp độ an toàn sinh học cao nhất của Trung Quốc trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Chỉ vài tháng trước khi dịch bệnh bùng phát, Giám đốc Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán thuộc Viện Virus học Vũ Hán, ông Viên Chí Minh (Yuan Zhiming) đã viết trong một bài báo về những thiếu sót an toàn xảy ra trong các phòng thí nghiệm sinh học của Trung Quốc. Vài năm trước, ông cũng từng gửi email cho một đối tác Mỹ để hỏi về các phương pháp khử trùng, theo The Epoch Times.

Ngày 22/7, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, giám đốc Viên cho biết phòng thí nghiệm này đã được vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế. Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh ĐCSTQ bác bỏ kế hoạch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cuộc điều tra giai đoạn hai nguồn gốc của đại dịch.

Trước đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bất ngờ thay đổi thái độ khi thừa nhận rằng còn quá sớm để loại trừ khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Mối quan ngại của Giám đốc phòng thí nghiệm Vũ Hán

Trong các email mà tổ chức Justice Watch thu thập được theo Đạo luật Tự do Thông tin, ông Viên từng liên hệ với nhà virus học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, ông Jens Kuhn, đề nghị trợ giúp tìm kiếm chất khử trùng để khử trùng thiết bị phòng thí nghiệm vào năm 2016, không lâu sau khi phòng thí nghiệm P4, nơi được trang bị để xử lý các loại virus nguy hiểm, mở cửa và vẫn chưa bắt đầu làm việc. 

Ông Viên viết trong thư: “Chúng tôi đã thử một số phương pháp để xác định hiệu quả kháng virus và khả năng ăn mòn của chúng đối với đường ống và thiết bị xử lý nước thải. Thật không may, chúng tôi đã tìm thấy một ứng viên”.

Trong email này, ông Viên cho biết phòng thí nghiệm đang hoạt động mà không có mầm bệnh. Ông tìm kiếm các chất khử trùng cho quần áo bảo hộ, bề mặt rắn, không khí, vật liệu lây nhiễm, và quy trình chấp thuận sự lựa chọn chất khử trùng.

Email giữa ông Viên và ông Kuhn chỉ là một trong số 301 trang hồ sơ và email khác được công bố gần đây. Đây là cuộc trao đổi thư tín giữa Viện Virus học Vũ Hán (WIV) và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID).

Các tài liệu tiết lộ rằng NIAID đã cung cấp 9 khoản tài trợ cho Trung Quốc thông qua tổ chức EcoHealth Alliance có trụ sở tại New York, để tiến hành nghiên cứu các virus corona ở dơi.

Trong một bài phân tích hồi tháng 5/2019, ông Viên cũng thừa nhận lo ngại về sự an toàn trong các phòng thí nghiệm có cấp độ an toàn cao nhất quốc gia, vài tháng trước khi Trung Quốc báo cáo lần đầu tiên sự bùng phát của virus Trung Cộng ở Vũ Hán.

“Hiện tại, hầu hết các phòng thí nghiệm đều thiếu các nhà quản lý và kỹ sư chuyên ngành về an toàn sinh học,” ông nói trong bài phân tích.

Ông Viên còn cho biết một số nhân viên phòng thí nghiệm có cấp độ an toàn sinh học cao của Trung Quốc là các nhà nghiên cứu bán thời gian.  “Điều này gây khó khăn cho việc kịp thời xác định và giảm thiểu các nguy cơ an toàn tiềm ẩn trong quá trình vận hành cơ sở và thiết bị”, ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng “một số phòng thí nghiệm có cấp độ an toàn cao không đủ kinh phí hoạt động cho các quy trình thường lệ nhưng trọng yếu”.

Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia thuộc Viện virus học Vũ Hán (WIV) là một trong hai phòng thí nghiệm P4 của Trung Quốc và yêu cầu các biện pháp an toàn cấp cao nhất để nghiên cứu các mầm bệnh gây ra các bệnh như Ebola. 

Phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán được hoàn thành vào cuối năm 2014 và bắt đầu hoạt động vào tháng 01/2018. Cơ sở này được cho là lưu trữ hơn 1,500 chủng virus, bao gồm cả virus corona gây ra dịch hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng vào năm 2003.

Kể từ đó, nhiều quốc gia đã nghi ngờ rằng WIV là nguồn gốc gây bệnh virus Vũ Hán, tuy nhiên Trung Quốc tuyên bố sẽ không cho phép bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào.