Vụ kiện 1,5 tỷ đồng gây chú ý, nhưng tòa tuyên Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021 không có trách nhiệm trả nợ. Vì sao?

Những ngày qua, sau khi Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị bắt trong một vụ án khác liên quan đến hai công ty sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng, dư luận một lần nữa xôn xao về đoạn clip cô từng xé giấy vay nợ 1,5 tỷ đồng trong một vụ kiện dân sự từng gây tranh cãi. Tuy nhiên, tòa án đã tuyên Thùy Tiên thắng kiện trong vụ án này. Dưới góc độ pháp lý, hành vi xé giấy nợ có làm mất hiệu lực nghĩa vụ trả nợ hay không?

Giấy vay nợ bị xé – có chấm dứt nghĩa vụ trả nợ?

Theo Luật sư Lê Hùng Vượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc xé giấy vay nợ không làm chấm dứt hợp đồng vay theo pháp luật dân sự hiện hành. Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vay nhận tài sản và có nghĩa vụ hoàn trả khi đến hạn”.

Do đó, nếu bên cho vay có các bằng chứng khác như ghi âm, hình ảnh, tin nhắn, hoặc nhân chứng, thì vẫn có cơ sở để khởi kiện đòi nợ, ngay cả khi văn bản vay bị xé.

Trong trường hợp không trả nợ, bên cho vay có thể khởi kiện ra tòa, kèm các chứng cứ chứng minh giao dịch có thật, theo đúng quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Có dấu hiệu hình sự?

Luật sư Vượng nhận định, nếu người vay cố tình xé giấy nợ để chối bỏ nghĩa vụ trả nợ, trong khi thực tế có giao dịch tài chính, thì hành vi này có thể bị xem xét theo tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” – quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Đặc biệt, khi người vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả, hoặc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, thì bên cho vay có quyền tố cáo hình sự.

Tuy nhiên, trong vụ việc liên quan đến bà Đặng Thùy Trang và Hoa hậu Thùy Tiên, tòa án đã xác định không đủ chứng cứ chứng minh giao nhận tiền, từ đó bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Tòa phúc thẩm tuyên Thùy Tiên thắng kiện

Trong bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, Hội đồng xét xử đã tuyên Hoa hậu Thùy Tiên không phải trả khoản nợ 1,5 tỷ đồng như yêu cầu của bà Trang.

Tòa cho rằng, tranh chấp giữa các bên không phải là “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” như đơn kiện nêu, mà là “tranh chấp đòi tài sản” và “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Theo đó, bà Trang không đứng tên trong hợp đồng vay, mà ông Nguyễn Quan Trọng – bạn của bà – mới là người ký giấy với tư cách bên cho vay.

Ngoài ra, bà Trang không chứng minh được việc đã giao tiền cho Thùy Tiên, nên yêu cầu khởi kiện không có cơ sở pháp lý.

Câu chuyện phía sau vụ kiện

Theo bà Trang, tháng 6/2017, Thùy Tiên vay tiền để tham gia cuộc thi Hoa khôi Nam bộ, nhằm lọt vào top 3. Chồng bà Trang đã nhờ ông Trọng ký xác nhận khoản vay, còn bà Trang là người làm chứng. Tuy nhiên, ông Trọng xác nhận không đưa hay nhận tiền, chỉ ký giúp bạn.

Về phía Thùy Tiên, cô cho biết không nhận được số tiền này. Khi thắc mắc, bà Trang cho rằng đã nộp tiền cho Ban tổ chức cuộc thi, nhưng sau khi kiểm tra, Thùy Tiên phát hiện Ban tổ chức phủ nhận việc nhận tiền, nên từ chối thanh toán khoản nợ.

Sự việc đẩy lên cao trào khi Thùy Tiên xé giấy nợ tại một quán cà phê, được quay lại trong đoạn clip lan truyền mạnh mẽ. Sau đó, bà Trang nộp đơn kiện yêu cầu Thùy Tiên trả nợ gốc và bồi thường tổn thất tinh thần. Tuy nhiên, tòa đã tuyên không có căn cứ đòi nợ.

Nguồn Báo CAND