Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc vì “vi phạm nhân quyền” với các nhóm dân tộc thiểu số ở khu tự trị Tân Cương, trong đó bao gồm bí thư đảng ủy Trần Quốc Toàn.

Theo SCMP, ngoài ông Trần Quốc Toàn, ba quan chức cấp cao khác của khu tự trị Tân Cương nằm trong danh sách lệnh trừng phạt và một số người chưa rõ danh tính khác “được cho là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc giam giữ bấp hợp pháp hoặc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo cho biết ngày 09/7, “Hoa Kỳ sẽ không đứng yên khi chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền nhắm vào các nhóm này”,  ông nói thêm rằng các nhóm người thiểu số ở Tân Cương hiện bị bắt giam một cách tùy tiện, bị cưỡng bức lao động. Hiện chính quyền Bắc Kinh đang kiểm soát dân số và ép buộc nhóm người này từ bỏ văn hóa cũng như tín ngưỡng đạo Hồi của họ.

Theo ông Pompeo, lệnh trừng phạt được thực hiện theo lệnh hành pháp của Mỹ có hiệu lực từ năm 2017, cho phép “chặn tài sản của những người liên quan đến vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc tham nhũng”, lệnh này phù hợp với Đạo luật về Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu (Magnitsky) được cựu Tổng thống Barack Obama ký năm 2012.

Những người trong danh sách trừng phạt và các thành viên trong gia đình của họ sẽ bị cấm vào Mỹ. Các thành viên gia đình của các quan chức Trung Quốc khác chưa xác định danh tính cũng có thể phải chịu những hạn chế này.

Ông Trần Quốc Toàn là Ủy viên bộ chính trị, vị thế của ông thậm chí cao hơn Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, hiện ông là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt, một dấu hiệu cho thấy Washington đang đối phó với Bắc Kinh bằng hành động.

Giáo sư luật tại Đại học Hofstra ở New York, Julian Ku, viết trên Twitter rằng: “Chính phủ Hoa Kỳ đã vượt qua một “lằn ranh đỏ” khi trừng phạt các quan chức hàng đầu Trung Quốc. Tôi nghĩ các quan chức cao cấp của Trung Quốc sẽ gọi luật sư (nước ngoài) của họ để đảm bảo tài sản của họ được đưa ra khỏi Hoa Kỳ” và “Một số ít các nhà lãnh đạo nước ngoài có tài sản cá nhân của họ ở Trung Quốc, vì vậy thật khó để Bắc Kinh thực hiện trả đũa”.

Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington, Mỹ
Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington, Mỹ – ảnh: china-embassy.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa bình luận về sự việc này.

Với vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương, ngày 17/6 Tổng thống Trump đã ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, trong đó kêu gọi trừng phạt những người liên quan đến giam giữ bất hợp pháp hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác trong các trại tập trung. Đạo luật này dọn đường cho các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc.

Về vấn đề Tây Tạng, vào ngày 02/06, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Hoa Kỳ sẽ hạn chế thị thực các quan chức Trung Quốc cản trở việc đi đến Tây Tạng của các nhà ngoại giao, nhà báo và khách du lịch Hoa Kỳ. Ông cũng cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền và nói rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết duy trì “khu tự trị có ý nghĩa” đối với người Tây Tạng và việc giữ gìn bản sắc tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ độc đáo của họ.

Về phía Hồng Kông, ông Pompeo cho biết vào ngày 26/6, Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức Trung Quốc để trả đũa các chính sách của Bắc Kinh tại Hồng Kông, bao gồm luật an ninh quốc gia.