Toàn thế giới ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán và hơn 81.000 người tử vong, trong đó Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng.

VnExpress sáng 8/4 dẫn thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện ghi nhận hơn 1.400.000 ca nhiễm và hơn 81.200 ca tử vong do nCoV tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt hơn 72.300 và 6.700 ca so với hôm qua.

Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới, hôm nay thông báo 396.223 ca nhiễm, tăng 31.500 trường hợp so với một ngày trước đó. Nước này ghi nhận thêm hơn 1.900 người chết hôm qua, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 12.722.

nCoV toàn cầu
Nhân viên y tế đưa một bệnh nhân khỏi xe cứu thương bên ngoài Bệnh viện Núi Sinai ở thành phố New York, Mỹ ngày 4/4 – ảnh trên AFP.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.267 ca nhiễm và hơn 700 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 141.942 và 14.045. Nước này hiện đang là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. 

Italy ghi nhận thêm hơn 3.000 ca nhiễm và 604 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên 135.586 và 17.127, tiếp tục là vùng dịch nhiều người tử vong nhất thế giới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo dịch Viêm phổi Vũ Hán là thử thách lớn nhất mà EU phải đối mặt trong lịch sử. Bà đồng thời kêu gọi châu Âu phải tự chủ động việc sản xuất khẩu trang, hoặc ít nhất là tạo ra một trụ cột trong hoạt động sản xuất khẩu trang ở một thuộc EU.

Trung Quốc thông báo 62 ca nhiễm nCoV mới, trong đó 59 ca “nhập ngoại”, từ 1/4 chính quyền Bắc Kinh bắt đầu đưa số ca nhiễm nCoV không triệu chứng vào số liệu thống kê hàng ngày, hiện tổng số ca nhiễm nhiều nghi vấn của nước này là hơn 81.800 ca.

Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với hơn 3.900 ca nhiễm và 63 người chết. Trong khi Indonesia là nước có số tử vong cao nhất khu vực với 221 trường hợp, số ca nhiễm là hơn 2.700 người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán viêm phổi Vũ Hán ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.