Nhiều người dân đã phản ánh đến báo chí về thực trạng cho vay nặng lãi đáng báo động qua app. Ban đầu chỉ vay một vài triệu đồng, ngay sau đó số nợ nhanh chóng tăng lên cả trăm triệu đồng, thậm chí trả hết rồi vẫn bị đòi nợ và khủng bố tinh thần khủng khiếp.

Tết Nguyên đán vay 7 triệu đồng, qua 5 tháng thành 200 triệu

Chiều 26/5, anh C.N.P sinh năm 1991, ngụ Phường 1, Quận Tân Bình, TP HCM đã đến Báo Lao Động nhờ cầu cứu vì đã bị dồn đến đường cùng do trót lỡ vay qua app.

Trước Tết Nguyên đán anh P có vào trang Facevay để vay 7 triệu đồng trang trải cuộc sống nhưng đến nay số nợ đã tăng lên hơn 200 triệu đồng. Nói là vay 7 triệu đồng nhưng thực tế họ chỉ chuyển cho anh 4,3 triệu đồng, số tiền còn lại bị trừ vào phí dịch vụ và lãi vay. Trong vòng 1 tuần anh phải trả đủ 7 triệu đồng cho họ.

vay 7 bị đòi 200
Anh P vay 7 triệu, chưa đầy 5 tháng số nợ tăng lên thành 200 triệu đồng – ảnh chụp màn báo Lao động.

Tuy nhiên 7 ngày sau chưa trả được số tiền trên, lập tức bị phạt lên đến 400.000/ngày và liên tiếp tăng theo cấp số nhân những ngày sau đó. Chỉ trong 1 tuần, số tiền nợ của anh P tăng lên hơn 10 triệu đồng.

Sau đó, trang Facevay chủ động móc nối gửi các trang web khác như skyvayer, andvay và vinvay giới thiệu cho anh P vay khoản tiền mới để trả cho khoản tiền nợ 10 triệu đồng. Anh phải vay mới 20 triệu để trả cho khoản nợ cũ 10 triệu đồng bởi danh nghĩa vay 20 triệu nhưng số tiền thực nhận chỉ 10 triệu đồng còn lại tự trừ vào các phí dịch vụ và lãi.

Bắt đầu từ đó khoản vay của anh P liên tục tăng lên theo cấp số nhân khi không trả đúng hạn. Các đối tượng cho vay không ngừng gọi điện nhắn tin khủng bố anh P và cả người thân bạn bè nhằm gây áp lực trả nợ. Bị khủng bố và hoảng loạn, anh P bị ép vay các khoản mới để trả cho các khoản cũ và chưa đầy 5 tháng số tiền nợ của anh lên đến hơn 200 triệu đồng.

Không vay cũng thành con nợ

Bi kịch hơn khi có nhiều nạn nhân không vay qua app hoặc có vay nhưng đã trả đủ vẫn thành con nợ của các đối tượng này. Chị N.T.L sinh năm 1996, ngụ Quận 2 và chị T.T.V.A sinh năm 1989, ngụ Quận Phú Nhuận là điển hình của việc trở thành những con nợ vô cớ.

không vay vẫn thành con nợ
Ảnh chụp màn hình báo Lao động.

Chị L cho biết bản thân không hề vay qua app, nhưng số điện thoại của mình liên tục bị các đối tượng nhắn tin, đe dọa chửi bới yêu cầu trả nợ thay cho một người nào đó mà bản thân chị không hề biết.

Hình ảnh của chị L và anh trai bị đưa lên mạng để khủng bố, mỗi ngày gọi cả trăm cuộc điện thoại yêu cầu tôi chuyển tiền vào một số tài khoản để trả nợ, trong khi chị không hề vay. Có lẽ số điện thoại chị có trong danh bạ một người nào đó đã vay và bị chúng đồng bộ danh bạ và có thông tin cá nhân của chị.

Trong tình huống tương tự, chị A cho biết mình có vay 2 triệu đồng qua app và đã chuyển đủ tiền gốc lãi trả cho họ, có sao kê trích lục của ngân hàng chứng minh. Thế nhưng các đối tượng cho vay qua app liên tục yêu cầu chị chuyển trả nói là chưa nhận được tiền.

Họ dùng lời lẽ thô tục không thể chấp nhận được, không chỉ gọi cho chị A mà còn gọi cho bố mẹ và chồng để gây áp lực. Chưa hết, kẻ cho vay còn đưa hình ảnh con chị lên mạng để bạn học của con biết là nhà này đang thiếu nợ, khiến con chị xấu hổ với bạn bè.

bị đưa hình lên mạng
Ảnh chụp màn hình báo Lao động.

Triệt phá những băng nhóm nhiễu loạn này

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá một băng nhóm cho vay lãi nặng qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng do 2 đối tượng Li và Miao người Trung Quốc cầm đầu, thuê ít nhất 5 người Việt Nam lập Công ty và làm việc cho chúng. Trong vòng chưa đầy 6 tháng hoạt động, đường dây này đã có đến hơn 60.000 khách hàng ở khắp 63 tỉnh thành, tức là bình quân có hơn 330 người vay qua app mỗi ngày.

băn nhóm cho vay nặng lãi
5 người Việt bị bắt khi làm cho 2 đối tượng ở Trung Quốc trong đường dây app cho vay nặng lãi – ảnh trên báo Thời đại.

Theo tìm hiểu của Lao động, hiện đang tồn tại rất nhiều app cho vay như: vdong, uvay, vaydi, openvay, tiennhanh, bilivay, vietdong, vay tik, movay, vaymoney, homevay, skyvayer,… Đã có hàng nghìn người đa phần là giới trẻ thiếu tiền thật hoặc tò mò thử và dính bẫy vay này. Ban đầu chỉ vay một vài triệu đồng để chi tiêu, số nợ lập tức tăng từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Triệt phá băng nhóm hoạt động qua mạng không dễ vì chúng không xuất hiện giao nhận tiền hoặc uy hiếp trực tiếp con nợ mà chỉ gọi điện thoại. Đây mới chỉ là một băng nhóm, trong khi đó lướt mạng có vô số app cho vay tiền xuất hiện với những lời mời gọi hấp dẫn, thủ tục đơn giản, có tiền ngay đã đánh trúng tâm lý đông người đang túng thiếu và lọt vào thòng lọng nguy hiểm này.