Việc Mỹ quyết định thành lập một trung tâm chỉ huy bên ngoài Ukraine là để đối phó trước các cuộc tấn công của Nga, nhằm vào các trung tâm chỉ huy ở thủ đô Kiev? Và Điện Kremlin sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy thay đổi chế độ ở Kiev?

Trong khi ấy, những tin dữ dồn dập cho thấy chính quyền Biden đang rối bời. OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng chưa từng thấy. Kho dự trữ vũ khí của cả Mỹ và NATO đều cạn kiệt, trong bối cảnh có thông tin Nga có khả năng thử nghiệm siêu ngư lôi có biệt hiệu “Ngày tận thế”.

Mỹ lo lắng Nga tấn công Kyiv

Việc Duma quốc gia Nga phê chuẩn việc sáp nhập bốn khu vực của Ukraine, cùng với việc thông qua các luật liên quan sẽ cần thời gian để tạo ra một sự cân bằng lực lượng mới của Nga tại Ukraine. 

Trong khi đó, môi trường bên ngoài cũng đang biến đổi một cách phi thường. Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc ở châu Âu sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đã trở thành một mâu thuẫn nghiêm trọng. 

Do đó, một tình huống phức tạp xuất hiện trong bối cảnh Nga xây dựng một lực lượng vũ trang mới xung quanh khu vực Kharkov và ở khu vực phía nam Biển Đen, với những đoàn xe thiết giáp dài được cho là đang tiến về Crimea từ Nga.

Dự kiến ​​sẽ có sự nhất trí của Duma về việc gia nhập bốn khu vực vào Nga vào thứ Hai tới, và sẽ được Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) phê chuẩn vào thứ Ba, và Tổng thống Putin đã ký ban hành thành luật.

Các khu vực Ukraine được sáp nhập sẽ trở thành một phần của Nga. Việc xác định ranh giới này có ý nghĩa an ninh. Ở Donbass, một số khu vực rộng lớn vẫn nằm trong sự kiểm soát của lực lượng Ukraine. 

Thành phố Liman ở Donetsk đã bị quân đội Ukraine tái chiếm 5 ngày trước đó. Các cuộc xâm nhập của lực lượng Ukraine vào Kherson vẫn tiếp tục. Giao tranh nặng nề được ghi nhận tại đây và rõ ràng, Tổng thống Putin vẫn còn nhiều việc dang dở chưa hoàn thành.

Vùng Zaporozhye là một ưu tiên khác, khi thủ phủ của vùng này vẫn chưa thuộc quyền kiểm soát của Nga. 

Trong tình huống này, Tổng thống Zelensky đã chính thức nhanh chóng nộp đơn xin gia nhập NATO. Nhưng chỉ trong vòng vài giờ, NATO đã dội một gáo nước lạnh vào chính quyền Kyiv khi giải thích rằng, bất kỳ quyết định nào cũng sẽ cần sự ủng hộ của tất cả 30 quốc gia thành viên. 

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ ngay từ ngày đầu rằng chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng cuộc chiến không lan sang các nước khác, rằng bản thân NATO không trở thành một bên trong cuộc chiến. Và điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay”. (rt.com)

Điều này cho thấy điều gì? Điều này báo hiệu rằng NATO sẽ không can thiệp trực tiếp vào Ukraine.

Tuy nhiên, thông báo của Nhà Trắng đã đề cập đến gói hỗ trợ an ninh mới của Tổng thống Biden dành cho Ukraine trị giá 625 triệu USD, bao gồm vũ khí và thiết bị bổ sung, như hệ thống pháo phản lực HIMARS, và xe bọc thép.

Tờ Breitbart cho biết, Tổng thống Biden tuyên bố “cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine để nước này tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lược của Nga trong chừng nào còn có thể”.  Sau đó, Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng “Những phát triển tình hình gần đây … chỉ củng cố quyết tâm của chúng tôi”.

Rõ ràng trên danh nghĩa Mỹ và NATO khước từ đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng lại viện trợ pháo phản lực tầm xa cho Ukraine để tấn công Nga. Vì vậy, Bộ chỉ huy quân sự Nga có thể sẽ phải thiết lập lại “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Hiện những thay đổi Chiến thuật này đang được xem xét. 

Chắc chắn, việc tăng thêm 300.000 quân dự bị sẽ tác động đến cán cân quân sự tổng thể có lợi cho Nga. Các quan chức Nga cho biết, 70.000 người cũng đã tình nguyện đăng ký, điều này sẽ giúp Nga nâng tổng sức mạnh của các lực lượng bổ sung lên khoảng 370.000 người.

Đó là một sự gia tăng rất lớn, do đó số lượng binh sĩ này có thể “mài giũa” lực lượng Ukraine, và tiến tới có thể thay đổi cục diện trên chiến trường.

Việc Mỹ quyết định thành lập một trung tâm chỉ huy bên ngoài Ukraine và đặt tại Đức cách đây 1 tuần, dường như có khả năng cho thấy tình báo Mỹ và Anh dự đoán trước các cuộc tấn công của Nga vào các trung tâm chỉ huy ở thủ đô Kiev và các nơi khác, với việc lực lượng Nga có thể sử dụng sức mạnh không quân trên quy mô lớn. 

Nếu là đúng như phán đoán của tình báo Mỹ và Anh thì mục đích của Nga có khăng là gì?

Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình India Today rằng, “Nga không muốn thay đổi chế độ ở Ukraine, và người dân nên có tự do lựa chọn”. (TASS)

Tuy nhiên cho tới thời điểm này, khi Tổng thống Zelensky đóng mọi cánh cửa đàm phán với Nga, thì có khả năng Điện Kremlin sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy thay đổi chế độ ở Kiev, và mở đường cho một ban lãnh đạo hoàn toàn mới của Ukraine sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh. 

Như chúng tôi đã đề cập trong các video lần trước, Tổng thống Putin hiện đang theo đuổi mục tiêu kết thúc chiến tranh trên mặt trận kinh tế với vũ khí năng lượng. 

Những đòn đánh chiến lược của ông Putin trên mặt trận này đang khởi tác dụng, khiến châu Âu lâm vào thế đường cùng.

Ukraine và châu Âu đang chới với

Châu Âu đang ngày càng hướng đến cuộc khủng hoảng kinh tế với lạm phát và suy thoái ở mức hai con số. Sự bất bình ngày càng gia tăng của công chúng đang biến thành các cuộc biểu tình ở nhiều nước châu Âu. Cuộc khủng hoảng có thể trở nên trầm trọng hơn khi mùa đông bắt đầu. 

Có thể hiểu, sự thay đổi trong tâm trạng của các chính phủ châu Âu hiện nay,  là họ lo tập trung giải quyết các vấn đề trong nước hơn là vấn đề của Ukraine. 

Quốc gia hăng hái nhất trong cuộc đối đầu công khai với Nga là nước Anh. Nhưng Thủ tướng hiếu chiến Liz Truss đang phải vật lộn để đối phó trước tình hình hỗn loạn tài chính của nước này, cũng như đang phải chiến đấu vì sự sống còn của đảng Bảo thủ. 

Trong tình hình này, vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu, đã đe dọa biến lục địa này thành một vùng “phi công nghiệp hóa”, đặc biệt đối với Đức.

Châu Âu cần an ninh năng lượng trong ngắn hạn và trung hạn mà không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu Năng lượng Xanh chống Biến đổi khí hậu của Chủ nghĩa toàn cầu. 

Nó có nghĩa là sự nhạy cảm về địa chính trị được nâng thêm 1 nấc thang mới. Nghĩa là châu Âu đang nhận ra một thực tế là, để đạt được mục tiêu chuyển sang năng lượng tái tạo như chính quyền Biden thúc ép, thì châu Âu phải lo được những điều thiết yếu đầu tiên là dân phải đủ no, đủ ấm thì mới tính đến chuyện khác được.

Hôm 3/9, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã đề xuất với các khách hàng khí đốt châu Âu rằng, một phần của mạng Nord Stream bị hư hỏng vẫn có thể vận chuyển nhiên liệu – nhưng chỉ ở Nord Stream 2.(Bloomberg)

Gazprom cho biết, một trong hai đường ống của Nord Stream 2 có khả năng không bị ảnh hưởng.  (rt.com)

Nord Stream 2 có công suất vận chuyển 55 tỷ mét khối mỗi năm, có nghĩa là đường ống B của nó có thể cung cấp 27,5 tỷ mét khối mỗi năm cho Đức qua Biển Baltic. Tuy nhiên, Nord Stream 2  cần có sự chấp thuận của EU, và điểm mấu chốt chính là Brussels – với sự hậu thuẫn của Washington – không muốn đường ống này của Moscow đi vào vận hành.

Nhưng mặt đất bên dưới trụ sở Brussels  đang lung lay dữ dội, khi chính phủ mới của Ý đang chuyển biến lập trường mạnh mẽ, và cũng giống như nước Anh, chính phủ của bà Meloni hiện sẽ tập trung giải quyết tình hình kinh tế trong nước thay vì nhiệt tình hỗ trợ cho Ukraine. 

Ở Pháp, Tổng thống Macron đã hoàn toàn tê liệt, khi chính phủ của ông không chiếm đa số tại nghị viện để có thể đưa ra lập trường ủng hộ cuộc chiến Ukraine, trong khi nước Pháp đang bị suy kiệt bởi các cuộc khủng hoảng nối tiếp. 

Tất cả những điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là ba trung tâm quyền lực chính trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu gồm Đức, Pháp và Ý cùng với Anh đang bước vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc. 

Sự nhiệt huyết, năng lực hoặc mức độ ủng hộ của 4 quốc gia hàng đầu châu Âu này đối với Ukraine đang bị hạn chế nghiêm trọng.  

Trong khi ấy, Ukraine chỉ có đủ tài chính để tài trợ cho cuộc chiến trong năm nay nhờ sự đóng góp của các quốc gia bên ngoài. Nhưng vào năm tới, theo ghi nhận của chuyên gia Gillian Tett trên Financial Times và Niall Ferguson trên Bloomberg, cho biết,” nguy cơ nỗ lực chiến tranh của Ukraine có thể bị phá hủy bởi sự hỗ trợ không đầy đủ từ bên ngoài, dẫn đến việc phụ thuộc quá nhiều vào tài chính tiền tệ bên ngoài, và lạm phát cao sẽ nổ ra, có nguy cơ xảy ra khủng hoảng tiền tệ và có thể làm suy yếu nỗ lực chiến tranh cũng như làn sóng quân sự ủng hộ Ukraine đang xoay chuyển.  (CEPR)

Bên cạnh đó, quốc gia tài trợ hàng đầu cho cỗ máy chiến tranh ở Ukraine là nước Mỹ đang gặp nhiều biến động rủi ro từ lạm phát và giá dầu tăng cao. 

Việc OPEC+ vừa tuyên bố cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày không khác gì sét đánh ngang tai, khiến chính quyền Biden cực kỳ lo lắng.

Mỹ bất lực, cáo buộc OPEC+ đứng về phía Nga

Nhà Trắng hôm 5/10 đã cáo buộc OPEC + đứng về phía Nga khi quyết định cắt giảm sản lượng dầu. 

Chính quyền Biden tức giận tỏ thái độ với Ủy ban Giám sát cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC và các đồng minh, tất nhiên bao gồm cả Nga khi chỉ trích gay gắt , gọi quyết định của OPEC + là “thiển cận” và là một “sai lầm”. 

Phóng viên trưởng của CNN,  Manu Raju, đã tweet  rằng Tổng thống Biden đã phản ứng với thông báo cắt giảm của OPEC +,  bằng cách nói rằng ông ấy “lo ngại” và gọi nó là điều “không cần thiết.” 

Trong khi ấy Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng:  “Hãy nhìn xem, rõ ràng OPEC+ đang phù hợp với Nga với thông báo hôm nay”.

Rõ ràng, quyết định này đã chứng tỏ nỗ lực của tổng thống Biden nhằm thúc ép Ả rập Xê út  và các đồng minh khác ở Trung Đông sản xuất nhiều dầu hơn đã thất bại.

Các cố vấn kinh tế và an ninh quốc gia hàng đầu của chính quyền Biden bày tỏ sự thất vọng về việc cắt giảm sản lượng của OPEC + thông qua một tuyên bố như sau: 

“Tổng thống thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC + trong việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực tiếp tục từ cuộc xâm lược Ukraine của Putin. 

“Vào thời điểm mà việc duy trì nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu là điều tối quan trọng, quyết định này sẽ có tác động tiêu cực nhất đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vốn đang quay cuồng vì giá năng lượng tăng cao.

“Theo chỉ đạo của Tổng thống, Bộ Năng lượng sẽ cung cấp thêm 10 triệu thùng từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ra thị trường vào tháng tới”.

Có điều không rõ ƠPEC+ hay chính quyền Joe Biden là thiển cận?

Chỉ biết rằng, OPEC+ đang tỏ rõ lập trường quan điểm với Nhà Trắng, là khối này đã đứng về phía Nga. 

Dân biểu Cộng hòa Steve Scalise tại Hạ viện Mỹ đã tweet về thất bại kinh hoàng của Tổng thống Biden như sau:

“Chúng ta hãy làm cho rõ ràng về chuyện đã xảy ra :

1. Biden phá huỷ  ngành công nghiệp dầu /khí của Mỹ và làm chúng ta phụ thuộc vào OPEC+. 

2. Biden cầu xin OPEC sản xuất nhiều dầu hơn. 

3. OPEC đang làm ngược lại – cắt đầu ra bằng 2 triệu thùng mỗi ngày. 

Hoàn toàn thất bại. OPEC đang cười nhạo ông ấy.”

Giá khí đốt tại Mỹ đã tăng sau thông báo của OPEC+. Giá trung bình cho một gallon gas thông thường ở Mỹ  là 3,86 đô la vào thứ Năm, cao hơn 0,03 đô la so với hôm thứ Tư,  theo AAA .

Rõ ràng, năng lượng là lá bài mà Tổng thống Putin đang áp dụng quá hiểm hóc, và chính quyền Tổng thống Biden không còn cách ứng phó nào khác, là  tiếp tục vào tháng tới sẽ rút tiếp thêm 10 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược SPR vốn đã cạn kiệt để đáp lại quyết định của OPEC+.

Có thể nói, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đang lao đao trên mặt trận kinh tế, với khủng hoảng năng lượng không thể tránh khỏi, thì lại tiếp tục nhận được tin xấu khiến NATO nhấp nhổm không yên

NATO bất an khi mất dấu tàu ngầm hạt nhân Nga

Căng thẳng tiếp tục gia tăng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đặc biệt sau khi Tổng thống Putin từng cảnh báo phương Tây rằng, mối đe dọa hạt nhân của ông “không phải là một trò lừa bịp”. 

Đặc biệt khi kênh Fox News ngày 3/10 cho biết, tàu ngầm Belgorod chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga đã biến mất khỏi cảng chính của nó ở Bắc Cực. 

Tất nhiên đây không phải là một tàu ngầm bình thường. Tàu ngầm Belgorod của Nga mang theo hệ thống siêu ngư lôi “Poseidon” hạt nhân với sức tàn phá khủng khiếp.

Fox News cho biết, NATO đã cảnh báo các thành viên rằng, tàu ngầm Belgorod của Nga dường như không còn hoạt động ngoài căn cứ ở Biển Trắng, nơi nó đã hoạt động kể từ tháng Bảy. Các quan chức cảnh báo rằng Nga có thể có kế hoạch thử nghiệm hệ thống vũ khí “Poseidon” của Belgorod, có khả năng tạo ra “sóng thần phóng xạ”.

MSN đưa thêm thông tin chi tiết về khả năng của loại vũ khí này như sau:

Belgorod được cho là được trang bị ngư lôi hạt nhân “Poseidon”, có khả năng di chuyển hàng trăm dặm dưới nước và gây ra “sóng thần hạt nhân” gần các vùng ven biển.

Chuyên gia tàu ngầm HI Sutton giải thích rằng, “Ngư lôi siêu lớn” hạt nhân này là thứ vũ khí duy nhất trong lịch sử thế giới…Poseidon là một loại vũ khí hoàn toàn mới. Nó sẽ định hình lại kế hoạch hải quân ở cả Nga và phương Tây, dẫn đến các yêu cầu mới và vũ khí đối phó mới”.

Lầu Năm Góc cho biết hiện chưa có thông tin về vụ thử ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga – một động thái có thể thay đổi lập trường chiến lược của Mỹ. Poseidon có thể di chuyển với khoảng cách lên tới 10.000 km và tốc độ 56 knot (khoảng hơn 100 km/h). 

Trong khi truyền thông phương Tây gọi đây là “vũ khí ngày tận thế” thì hiện chưa rõ sức công phá nhiệt hạch của loại vũ khí này. Ước tính đương lượng nổ của nó trải dài từ 2 – 100 megaton. Trong khi đó, quả bom hạt nhân Fat Man từng thả xuống thành phố Nagasaki, Nhật Bản vào cuối Thế chiến II có lượng nổ là 21 kiloton.

Có một sự thật hiển nhiên là, khi Nga có nhiều khả năng thử nghiệm loại vũ khí siêu khủng mà trên thế giới không có cái thứ hai, thì chính quyền Biden đang đau đầu khi các kho dự trữ vũ khí và đạn dược của Mỹ ‘thấp đến mức nguy hiểm’.

Mỹ viện trợ cho Ukraine khiến kho vũ khí cạn kiệt

Một báo cáo phân tích đã được công bố vào tuần trước, đưa ra cảnh báo rằng, sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đã đẩy kho dự trữ quân sự của Mỹ xuống “mức thấp nguy hiểm” chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. 

Tờ breitbart viết: “Là một phần của khoản hỗ trợ 16,2 tỷ USD cam kết dành cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi thiết bị quân sự trị giá khoảng 8,4 tỷ USD từ kho dự trữ vũ khí của chính mình thông qua một đạo luật gọi là “Quyền rút vốn của Tổng thống” (Presidential Drawdown Authority – PDA).

Quyền Rút vốn của Tổng thống cho phép Mỹ chuyển các hàng viện trợ và dịch vụ từ kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ trong trường hợp khẩn cấp.

Trong nhiều tháng qua, việc tổng thống Biden sử dụng rộng rãi PDA đã làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí của Mỹ. Đáp lại, Nhà Trắng đã bắt đầu làm việc với ngành công nghiệp vũ khí để tăng cường sản xuất một số hệ thống vũ khí. Một quan chức Nhà Trắng gần đây đã nói với các nhà lãnh đạo buôn bán vũ khí rằng cuộc chiến ở Nga sẽ tạo ra một lượng khách hàng và doanh thu mới.  

Điều đáng lo ngại là, mức độ hiện tại của một số loại đạn dược hệ thống vũ khí quan trọng của Mỹ đã đạt đến mức có thể gặp vấn đề trong điều kiện thời chiến.

Người Mỹ đã và đang tiếp tục đối mặt với các mối đe dọa trên toàn cầu. Mặc dù ‘cuộc chiến chống khủng bố’ dường như đã giảm bớt trong những năm gần đây, nhưng lực lượng khủng bố Al-Qaeda vẫn sẽ tiếp tục đe dọa và gây hại cho công dân và các cơ sở của Mỹ. 

Kết hợp điều đó với sự thống trị toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, cùng nền kinh tế khổng lồ, tiến bộ khoa học và quân đội mở rộng quy mô…, đã khiến Mỹ thực sự cảm thấy lo lắng. 

Không chỉ Mỹ cạn kiệt kho vũ khí mà các đồng minh châu Âu cùng vậy, vì NATO đã chuyển giao vô số hệ thống vũ khí cho chính quyền Kiev. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cho biết hiện ông “đang làm việc với ngành công nghiệp vũ khí để tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược.”. 

Phát biểu với New York Times, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết Brussels  đang cùng Washington tìm cách chế tạo thêm vũ khí.

CNBC cho biết “về cơ bản Mỹ đã hết pháo 155 mm để chuyển giao cho Ukraine.” Năng lực sản xuất đạn 155 mm hiện tại cũng không bằng những gì Nhà Trắng đang tìm cách cung cấp cho chính quyền Kiev. Các nhà cung cấp hiện sản xuất 30.000 viên đạn mỗi năm, và số lượng chỉ bằng quân đội Ukraine sử dụng trong hai tuần. 

Tất nhiên việc tăng cường sản xuất sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc, vì vậy khi đến thăm nhà máy sản xuất của tập đoàn Lockheed Martin vào tháng 5, Tổng thống Biden từng nói, “cuộc chiến này sẽ không hề rẻ”.

Thêm một thông tin nữa, trước khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Hải quân Hoàng gia Anh đã từng cảnh báo rằng, các tuyến cáp thông tin liên lạc quan trọng dưới biển nối châu Âu với Mỹ dễ dàng bị tổn thương trước mối đe dọa của Hải quân Nga. Và liên minh phương Tây thiếu nguồn lực thích hợp để bảo vệ các hệ thống viễn thông quan trọng đó. 

Nói một cách dễ hiểu hơn, quân đội Nga hoàn toàn có khả năng tước quyền tiếp cận không gian của người Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh và — có đủ khả năng sau khi họ làm hỏng các tuyến cáp thiết yếu dưới biển — sẽ nhắm mục tiêu vào các chòm sao vệ tinh quan trọng nhưng cũng dễ bị tổn thương không kém của Mỹ. 

Khi đường NS1 và 2 phục vụ cho mục đích dân sự của cả hàng trăm triệu người dân Châu Âu bị phá hoại, Mỹ và các đồng minh làm sao không thể lo lắng khi cơ sở hạ tầng quan trọng của họ cũng sẽ  là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng của Nga.

Vì vậy, những diễn biến trên chiến trường Ukraine và chiến thắng tạm thời của nước chính quyền Kyiv trong việc tái chiếm một phần lãnh thổ khỏi tay lực lượng Nga, đơn giản chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh tổng thể chiến lược của Tổng thống Putin. 

Điều đó cho thấy Nga đang làm chủ trên mặt trận kinh tế, cũng như mới chỉ sử dụng 10% năng lực quân đội của nước này, khi một mình đối chọi lại được với cả Mỹ, NATO, EU và Ukraine.

Xem thêm: NATO đối đầu với Nga: Kịch bản ngày tận thế