Sau khi Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt vì liên quan đội giá thiết bị, ít nhất 7 địa phương khác đã rà soát, báo cáo việc mua sắm thiết bị xét nghiệm. Có địa phương mua máy chỉ 1,5 tỷ, trong khi nhiều tỉnh khác mua với giá trên 7 tỷ đồng.

Hôm 22/4, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 người khác bị cáo buộc gian lận, thông đồng nâng khống giá khi bỏ ra 7 tỷ đồng mua Hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm nCoV. Vụ việc được dư luận quan tâm, nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt cho thanh, kiểm tra công tác mua máy xét nghiệm.

Quảng Ninh chỉ đạo thanh tra việc mua máy 8,4 tỷ đồng

Quảng Ninh là địa phương đã đầu tư nhiều thiết bị y tế để chống dịch, trong đó có hệ thống xét nghiệm Realtime PCR đang được dư luận quan tâm về mức giá và hình thức mua sắm chỉ định thầu. 

Hợp đồng ký ngày 1/3 giữa Sở Y tế Quảng Ninh và liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu y tế Việt và Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao có giá trị lên tới 8,4 tỷ đồng.

đội giá máy xét nhgiệm
Cán bộ CDC Quảng Ninh chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm nCoV – ảnh CDC Quảng Ninh.

Ngày 23/3, Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng giảm giá thiết bị xuống còn 7 tỷ đồng. Ngày 19/3 Sở Y tế đã chuyển tạm ứng cho bên trúng thầu 4,2 tỉ đồng, nhưng ngày 21/4 nhà thầu đã hoàn trả số tạm ứng này cho Sở Y tế. Ngày 23/4 lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh lại cho biết họ tiếp tục giảm giá và Sở mua thiết bị với giá 5,2 tỷ đồng.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên yêu cầu rà soát thủ tục và đã lộ ra những nghi vấn liên quan mua máy Realtime PCR tự động xét nghiệm và các thiết bị y tế liên quan phòng chống dịch bệnh.

Quảng Nam cử cán bộ đi học để về vận hành máy 7,2 tỷ

Ngày 24/3, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt lựa chọn Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt là nhà thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động theo hình thức “chỉ định thầu rút gọn”.

UBND tỉnh phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2020 cho Sở Y tế số tiền 7,56 tỷ để mua máy xét nghiệm, Sở đã mua hệ thống Real-time PCR với giá 7,2 tỷ đồng.

Ngày 1/4 Trung tâm tiếp nhận đưa vào vận hành hệ thống máy xét nghiệm Real-time PCR tự động gồm: máy đọc RT-PCR, các loại máy tách chiết tự động, máy lạnh ly tâm và tủ an toàn sinh học. Trước khi nhận máy Trung tâm đã cử 5 cán bộ chủ chốt vào Viện Pasteur Nha Trang để đào tạo và học hỏi cách vận hành máy trong 1 tuần.

nâng giá máy xét nhgiệm
Kỹ thuật viên của CDC Quảng Nam thao tác trên hệ thống xét nghiệm Realtime PCR – ảnh trên Tin tức.

Qua hơn 1 tháng vận hành, Lãnh đạo CDC Quảng Nam cho VietNamNet hay Trung tâm đã xét nghiệm cho hơn 2.000 mẫu nghi nghiễm Covid-19. Hệ thống máy đảm bảo chất lượng, được vận hành tốt và cho kết quả nhanh.

Giám đốc Sở Y tế ông Nguyễn Văn Hai cho hay việc mua máy Sở thực hiện đúng các trình tự, thủ tục và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương.

Thái Bình mua hơn 6 tỷ xong mới đàm phán giảm giá

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24/4, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết tỉnh đã chỉ định thầu mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31/3 và sử dụng chính thức từ 1/4, trị giá hơn 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau lắp đặt chạy thử thiết bị, đến 15/4 Sở Y tế Thái Bình lại có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị, sau khi đàm phán giá còn 5,8 tỷ đồng. Ngoài ra còn được thêm quyền lợi bảo hành tăng từ 1 năm lên 5 năm, đồng thời yêu cầu nhà thầu tặng kèm thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng.

Vị này cho biết hệ thống thiết bị xét nghiệm mà Thái Bình đã mua là loại hiện đại, hệ thống Cobas 4800 có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh, chứ không chỉ xét nghiệm riêng COVID-19. Đây là tỉnh thứ 2 đàm phán giảm giá thiết bị thành công sau khi chỉ định thầu, lắp đặt hoàn thiện và sử dụng thiết bị. 

Ninh Bình mua thiết bị xét nghiệm gần 7,9 tỷ đồng

Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ CDC Ninh Bình, nguồn kinh phí mua sắm thiết bị này là ngân sách dự phòng tỉnh năm 2020. Họ lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu điện tử rộng rãi trong nước.

Nhà cung cấp Tâm Việt được chọn, thiết bị mua là Cobas 4800 (loại tương tự tỉnh Thái Bình), với mức giá trên 5,9 tỷ cho hệ thống gồm thiết bị xét nghiệm Realtime PCR, máy tách chiết ADN tự động, cùng các thiết bị ngoại vi như bộ máy tính, máy in, hóa chất và vật tư tiêu hao thử nghiệm ban đầu. Các thiết bị đi kèm là tủ lạnh âm sâu, tủ lạnh bảo quản, máy ly tâm, máy gia nhiệt khô, máy lắc gần 2 tỷ. Tổng giá trị hệ thống gần 7,9 tỷ đồng.

Mức giá này so với hệ thống xét nghiệm mà tỉnh Thái Bình đã mua cùng thời điểm, thông số tương tự thì giá máy của Thái Bình cao hơn trên hợp đồng. Nhưng hôm 15/4 sau khi đã lắp đặt và sử dụng máy, Thái Bình đã thương lượng xuống còn 5,8 tỷ, kèm theo quyền lợi số năm bảo hành và bộ xét nghiệm tặng thêm.

Hải Phòng phủ nhận mua máy giá 10 tỷ

Ngày 21/3 Sở Y tế Hải Phòng đã lắp đặt và chạy thử máy xét nghiệm Covid-19 đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng. Một ngày sau đó chiếc máy này đi vào vận hành. Trả lời Zing vào thời điểm đó, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh cho biết chiếc máy này do Thành phố “đã cân nhắc và quyết định mua” nhưng không rõ chi phí.

Ngày 30/3 Sở Y tế Hải Phòng có văn bản gửi Công ty TNHH Y tế Phương Đông về việc đề nghị hỗ trợ mượn 1 hệ thống thiết bị Realtime PCR. Nội dung văn bản cũng cho hay thời điểm đó Trung tế Y tế dự phòng thuộc Sở này đã có 1 hệ thống. Chưa rõ sau đó thì Công ty TNHH Y tế Phương Đông có văn bản phúc đáp hoặc cho mượn hay không.

Văn bản muợn thiết bị
Văn bản mượn thiết bị y tế của Sở Y tế Hải Phòng gửi Công ty Phương Đông – ảnh trên Zing.

Chiều 25/4, bà Phạm Thu Xanh lại khẳng định với Zing rằng hệ thống máy Realtime PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 mà Sở này đang dùng là do Thành phố “đi mượn”. Bà Xanh phủ nhận thông tin chiếc máy này được Hải Phòng mua với giá gần 10 tỷ đồng. Nếu là như vậy, chiếc máy đi mượn sao lại có ở Trung tâm từ 23/3, trước 1 tuần so với ngày ký văn bản đi mượn (30/3)?

Cũng trong ngày 25/4, Sở Y tế Hải Phòng báo cáo Bộ Y tế rằng địa phương này chưa thực hiện việc mua sắm hệ thống máy Realtime PCR tự động. Sở này đang làm các thủ tục để mua sắm hệ thống máy xét nghiệm nói trên.

2 tỉnh mua máy xét nghiệm giá chỉ 1,5 tỷ đồng

Ngày 26/4, lãnh đạo Sở Y tế 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cho biết các địa phương này mua hệ thống máy xét nghiệm với mức giá chưa bằng 1/3 so với CDC Hà Nội.

Sau khi tham khảo giá của một số nơi đã mua, Sở Y tế Quảng Bình đưa ra hội đồng của Sở Tài chính để thẩm định và chọn mua máy của Đức, mức giá tỉnh phê duyệt mua máy khoảng 3 tỷ đồng gồm, giá máy hơn 1,6 tỷ, còn lại là hệ thống tách chiết và một số phụ kiện khác.

Sở Y tế Quảng Trị mua máy xét nghiệm Realtime PCR và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ để xét nghiệm Covid-19. Giá thẩm định máy xét nghiệm Realtime PCR 1,65 tỷ và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ giá hơn 1 tỷ. Sau khi CDC Quảng Trị đàm phán, nhà cung cấp đã giảm giá chỉ còn 1,5 tỷ cho máy xét nghiệm và 650 triệu cho máy chiết mẫu tự động.

Những bất thường trong mua sắm thiết bị

Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định thông tin mua sắm thiết bị như trên cho thấy sự không rõ ràng và có nhiều nghi vấn.

Thứ nhất, khi đã đã ký hợp đồng thống nhất với nhau về giá cả, phương thức thanh toán đối với một hàng hóa dịch vụ cụ thể, rất hiếm khi điều chỉnh giá trừ trường hợp có biến động quá lớn, tình huống bất khả kháng hoặc công việc kéo dài nhiều năm tháng. Việc ký hợp đồng rồi ngay sau đó giảm giá thậm chí gần 1 nửa (như trường hợp 8,4 tỷ còn 5,2 tỷ) cho thấy vấn đề bất thường.

Trong kinh doanh thương mại, bên bán hàng bao giờ cũng mong muốn bán được giá cao và thu hồi vốn nhanh nhất có thể. Trường hợp thiết bị đã chuyển giao, đưa vào vận hành, bên mua thanh toán một phần tiền sau đó bên bán lại trả lại cho thấy vấn đề thứ hai.

đội giá thiết bị y tế
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội – ảnh trên tin tức.

Thứ ba, hệ thống xét nghiệm COVID-19 tự động Realtime PCR không phải là loại hàng hóa đặc biệt, không phải là vũ khí khí tài quân sự nên sẽ có mức giá chung trên thị trường. Khi mua tại nước ngoài, các loại thuế, phí nhập khẩu và giá chào bán niêm yết trong nước chắc chắn là sẽ rất rõ ràng. Không thể mỗi nơi bán một giá, mỗi người mua một giá trên nhau gấp hơn 3 lần với nhiều tỷ đồng như vậy.

Hệ thống xét nghiệm tự động Realtime PCR trong thời kỳ dịch gần đạt đỉnh là thiết bị y tế quan trọng, CDC các địa phương không chỉ Việt Nam mà trên các nước đều tìm mua, theo lý nếu điều chỉnh thì giá phải tăng lên, đằng này lại giảm đúng thời điểm dịch bệnh đang bùng phát cho thấy nghi vấn thứ tư.

Liên quan hàng loạt vụ việc trên, một tình tiết rất đáng lưu tâm là giá cả tự nhiên giảm nhiều sau khi cơ quan điều tra làm việc, liệu nội dung hợp đồng có thay đổi hay không, nếu hợp đồng là công khai, minh bạch, đúng pháp luật, giá cả hợp lý đúng với giá thị trường thì tại sao phải thay đổi như vậy?

Luật sư Cường phân tích, sai quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi cấu thành tội phạm từ thời điểm thực hiện hoạt động đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Nếu việc chỉ định thầu có gian dối gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì đã hình thành tội danh, bất kể đối tượng đã sử dụng số tiền đó hay chưa. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh kiểm tra để làm rõ việc này.