Mỹ – Nga: Cuộc chiến tài chính gay cấn
Có thể nói cuộc chiến tại Ukraine là cuộc chiến đấu trí lẫn cơ bắp giữa Nga và Mỹ, NATO, EU. Ngoài đấu cơ bắp trên chiến trường, mặt trận còn lại chính là cuộc chiến tài chính, với việc Mỹ phải đối diện với sự phối hợp tấn công của Nga nhằm vào quyền bá chủ của đồng đô la.
Trong khi người Mỹ sẽ trở nên nghèo hơn do lạm phát và buộc phải in thêm tiền, thì người châu Âu cũng trở nên khốn khổ hơn với nền kinh tế công nghiệp bị suy giảm.
Bất kể bạn in bao nhiêu tiền thì năng lượng vẫn khan hiếm và về cơ bản châu Âu không đủ sức để đối đầu với Nga.
Kết cục bi thảm của nền kinh tế châu Âu sẽ buộc các nhà lãnh đạo châu lục này phải sớm hòa đàm với Nga trong nỗ lực khôi phục dòng khí đốt, bằng cách chấm dứt nguồn tiếp tế cho Ukraine để kết thúc xung đột.
Trong khi châu Âu đang phải vật vã chống chọi với cơn ‘cai nghiện’ khí đốt của Nga, thì Nga đã tăng cường giao thương với các quốc gia châu Á.
Người Nga đang lên kế hoạch cho một loại tiền tệ thanh toán thương mại thay thế, và nếu thành công, hệ thống này có thể giải phóng một lượng lớn đô la thuộc sở hữu nước ngoài lên các sàn giao dịch.
Tất nhiên chúng ta không có cách nào để hiểu rõ kế hoạch này của người Nga, nhưng các dấu hiệu cho thấy Nga đang tập trung vào một loại tiền kỹ thuật số dựa trên vàng, theo Finance.yahoo.
Moscow thiết lập một sàn giao dịch vàng mới, các ngân hàng trung ương châu Á tích lũy thêm dự trữ vàng và việc Ả Rập xê rút tìm kiếm các khoản thanh toán không dùng đô la cho việc bán dầu…, đều là những bằng chứng gián tiếp.
Đáng tiếc là “Mỹ sẽ không có bất kỳ phương tiện nào để ngăn chặn các hoạt động bằng đồng rúp vàng tiền điện tử vì giá sẽ được gắn với giá vàng trên thị trường toàn cầu”, theo Finance.yahoo.
Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Michael Greenwald từng cảnh báo việc Nga phát triển đồng rúp kỹ thuật số có thể là một mối lo ngại đối với Mỹ. Ông nói: “Điều khiến tôi lo lắng là nếu Nga, Trung Quốc và Iran đều tạo ra các loại tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương để phục vụ các hoạt động tài chính bên ngoài hệ thống thanh toán đồng USD, và các quốc gia khác đều chấp nhận chúng, thì điều đó sẽ là đáng báo động với Mỹ”.
Cuộc xung đột Ukraine cho thấy các tiêu chuẩn kép của phương Tây dành cho Nga, khi cả Washington và Brussel đang tìm mọi cách để cướp trắng khối tài sản của Nga ở nước ngoài. Tất nhiên, hành động này được ẩn giấu dưới danh nghĩa đấu tranh vì nền độc lập của Ukraine. Tuy nhiên nó cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới nhìn Nga với bài học nhãn tiền và từ đó giảm dự trữ đô la trong giỏ ngoại tệ quốc gia của họ.
Vì vậy, một loại tiền tệ thương mại châu Á mới, nếu thành công sẽ chỉ làm tăng thêm tình trạng tồi tệ của đồng đô la. Hệ thống tiền tệ mới này sẽ bao gồm hỗn hợp tiền tệ quốc gia và hàng hóa. Đồng thời, đồng tiền thanh toán thương mại mới cũng sẽ được dành cho bất kỳ quốc gia nào trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và các thành viên trong nhóm kinh tế mới nổi của BRICS mở rộng. Tham vọng của nó là thay thế đồng đô la trên toàn châu Á.
Thêm nữa, vấn đề lạm phát tại cả Mỹ và châu Âu được phản ánh thông qua cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều trong số đó phát sinh từ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Để ngăn toàn bộ hệ thống đồng euro bị mất ổn định, giải pháp ngắn hạn rõ ràng là các quan chức Brussel cần phải ký hiệp ước với Nga.
Trong khí ấy, chính quyền Biden đang tiến hành trò chơi quyền lực trên cả hai mặt trận: Nga và Trung Quốc. Trong khi hung hăng với Nga, chính quyền Biden lại tỏ ra mềm mỏng với Trung Quốc, bởi đơn giản Mỹ vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên quả đắng đã dành cho ông Biden, vì dù cố ý hay không, chính quyền Bắc Kinh đang siết chặt các tập đoàn Mỹ bằng chính sách Zero covid điên rồ của nước này
Tổng thống Putin đã thể hiện bản lĩnh lãnh đạo khi vượt qua mớ hỗn độn do Tổng thống Yeltsin để lại, và trước khi tình hình Ukraine leo thang, người Nga đã lường trước tất cả các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu và đã tính toán kỹ lưỡng các phản ứng của mình.
Trong khi kinh tế Mỹ, EU lâm vào khủng hoảng và sức mạnh quân sự có nguy cơ giảm sút do cạn kiệt kho dự trữ vũ khí, thì người Nga cho thấy sự dẻo dai bền bỉ khi đấu lại hàng chục nghìn lệnh trừng phạt và cũng như hàng nghìn tấn vũ khí viện trợ của tập thể phương Tây tại chiến trường Ukraine. Hiện tại với sự khởi đầu của mùa đông, Tổng thống Putin đủ khả năng để chờ đợi, và càng chờ đợi lâu, Ukraine và EU càng cho thấy bị đuối sức.
Có thể bạn quan tâm: