Cuộc chạy đua giữa các cường quốc quân sự có thể nóng hơn, khi Mỹ vừa thử nghiệm thành công vũ khí bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Theo Reuters, không quân Mỹ tuyên bố rằng cuộc thử nghiệm được thực hiện hôm 14/5 ngoài khơi bờ biển nam California khi một máy bay ném bom B-52 phóng một tên lửa từ trên không có tên là Vũ khí Phản ứng Nhanh (AGM-183A ARRW). Không lực Mỹ mô tả sau khi tách khỏi máy bay, bộ tăng áp của AGM-183A ARRW bắt lửa và đốt cháy trong thời gian dự kiến, đạt được tốc độ siêu âm lớn gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Trang Mirror cho hay, Chuẩn tướng Heath Collins, người đứng đầu chương trình phát triển vũ khí của không quân Mỹ, tuyên bố đây là thành tựu quan trọng của không quân Mỹ. Vụ thử lần này đã vượt qua những thách thức trước kia để đạt được thành công.

Theo giới quan sát, việc chế tạo và phóng thử AGM-183 nằm trong kế hoạch phát triển tên lửa siêu thanh đang được không quân Mỹ tiến hành, nhằm tạo lợi thế trong cuộc cạnh tranh gắt gao ở trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Ngoài AGM-183, không quân Mỹ đang thử nghiệm Tên lửa Hành trình Tấn công Siêu thanh (HACM), đồng thời phát triển Vũ khí siêu thanh sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC). Vào đầu tháng 4, nguồn tin cho hay không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công HAWC. Cuộc thử nghiệm được thực hiện vào giữa tháng 3 với sự tham gia của oanh tạc cơ B-52. Tuy nhiên, thời điểm đó Lầu Năm Góc quyết định giữ kín thông tin nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Nga trong lúc chiến sự Ukraine tiếp tục diễn ra.

Trở lại với vụ phóng tên lửa Phản ứng Nhanh hôm 14/5 vừa qua, gần như cùng thời điểm, phía Trung Quốc đánh tiếng rằng họ đang phát triển tên lửa siêu thanh tìm nhiệt, di chuyển với tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh để tấn công mục tiêu đang di chuyển.

Điểm khác biệt của loại tên lửa này ở chỗ, các loại tên lửa tìm nhiệt truyền thống sử dụng cảm biến hồng ngoại để bám theo mục tiêu, nhưng tên lửa mới sẽ sử dụng cảm biến chuyển động để tạo ra một hình ảnh đầy đủ với tất cả biến số. Phía Trung Quốc nói rằng, nhóm nghiên cứu vũ khí này có thời hạn đến tận năm 2025 để hoàn thiện công nghệ cho dòng tên lửa mới này.

Trước đó, Trung Quốc nhiều lần trả lời kiểu ỡm ờ về các thông tin, họ đã vượt Mỹ trong việc phát triển vũ khí siêu thanh. Tờ Financial Times đưa tin, quân đội Trung Quốc đã thực hiện 2 cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào mùa hè năm 2021, bao gồm cả việc phóng vào vũ trụ một vũ khí siêu thanh trên quỹ đạo có khả năng mang tải trọng hạt nhân. Phía Trung Quốc đáp lời một cách lập lờ rằng, họ chỉ đơn giản là phóng một phương tiện vũ trụ có thể tái sử dụng.

Tên lửa Standard 6 (SM-6) của Mỹ được cho là có khả năng chống vũ khí siêu thanh Nga (nguồn: Báo Quốc tế/The Drive)
Tên lửa Standard 6 (SM-6) của Mỹ được cho là có khả năng chống vũ khí siêu thanh Nga (nguồn: Báo Quốc tế/The Drive)

Nga cũng muốn chứng tỏ mình là đối trọng của Mỹ trong việc phát triển vũ khí siêu thanh. Vào tháng 3 vừa qua, quân lực Nga tuyên bố họ đã sử dụng tên lửa Kinzhal để tấn công Ukraine. Tuy nhiên, màn thị uy của Nga dường như không khiến phương Tây coi trọng lắm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Lloyd Austin đánh giá thấp tính hiệu quả của tên lửa này, khi ông nói rằng “sẽ không coi nó là kẻ thay đổi cuộc chơi”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, tên lửa Kinzhal thực chất chỉ là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander (SRBM) mà Nga đã sử dụng nhiều lần trong cuộc chiến chống Ukraine.

Giới phân tích chỉ ra thêm, thứ mà Nga, Trung Quốc, Mỹ và cả Triều Tiên – đang nghiên cứu hiện nay là phương tiện lướt siêu thanh (HGV). HGV là loại phương tiện bay có trọng tải cơ động cao, về mặt lý thuyết có thể bay với tốc độ siêu thanh trong khi điều chỉnh hướng đi và độ cao để bay dưới sự phát hiện của radar và xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa.

HGV là vũ khí gần như không thể ngăn cản. Và nhiều khả năng Nga sở hữu HGV trong kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, Kinzhal chỉ là một biến thể của Iskander SRBM, không phải là HGV. Việc phóng Kinzhal để gửi thông điệp tới phương Tây về khả năng quân sự của Nga không được đánh giá cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là những cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga nhằm phát triển vũ khí siêu thanh không thể dẫn đến các cuộc xung đột quân sự lớn.