Hiện Thổ Nhĩ Kỳ được cho là cái gai trong mắt các quan chức Nhà Trắng lẫn  tại Brussel. Còn nhớ vào năm 2016, tờ The Telegraph của Anh đã từng kêu gọi trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO. Tuy nhiên không có quy trình nào để loại bỏ một thành viên NATO như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ: ‘Tay chơi’ khó nhằn cho cả Mỹ và NATO 

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO giống như một cuộc hôn nhân đầy cãi vã, nơi cả hai bên thực sự muốn kết thúc chung sống với nhau nhưng không đủ khả năng để ly hôn, bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu 3 tài sản cực kỳ lớn. 

-Thứ nhất, đó là eo biển chiến lược Dardanelle

– Thứ hai, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lớn thứ hai của NATO và lớn nhất tại châu Âu.

– Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu căn cứ không quân Incirlik. Đây là căn cứ không quân trọng yếu được Mỹ sử dụng cho các hoạt động ở Trung Đông. 

Mọi thứ bắt đầu trở nên rất phức tạp trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sau âm mưu đảo chính Tổng thống Erdogan năm 2016. Ông Erdogan rất không hài lòng khi Mỹ từ chối dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. 

Thêm nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đã 2 lần đặt hàng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga, dẫn đến việc Mỹ hủy bỏ việc bán F-35 cho  nước này. Tuy nhiên đỉnh điểm mâu thuẫn là khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động Chiến dịch Mùa xuân, chống lại lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở Syria vào năm 2019. Trong cuộc xung đột tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì và thậm chí mở rộng quan hệ thương mại với Nga bất chấp mọi lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Thổ Nhĩ Kỳ ngoài mặt cung cấp cho Ukraine những chiếc UAV Bayrakter được nước này quảng cáo rầm rộ, nhưng thực chất lại hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy cả Mỹ và NATO coi Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện vai trò của mình để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Nga.

Mỹ và NATO cũng bực tức trước viễn cảnh Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với nhau thông qua nhà trung gian hòa giải Nga để chống lại “những kẻ khủng bố” người Kurd, mà mỉa mai thay lực lượng này lại do Mỹ hậu thuẫn.

Vì vậy chính quyền Biden cũng quyết chơi ‘tất tay’ với Thổ Nhĩ Kỳ, mà một trong những nhân tố quan trọng chính là Hy Lạp.

Ngòi nổ Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp: Mỹ chính thức đẩy đồng minh vào tay Nga

Việc Hy Lạp từ bỏ quan hệ với Nga đã dẫn đến một sự kiện đáng chú ý gần đây khi nước này đang xem xét việc gửi các hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất tới Ukraine. 

Khi chính phủ Hy Lạp nhận lại vũ khí từ Nga vào năm 1998, họ đã đồng ý không bao giờ trao nó cho một quốc gia khác, chứ chưa nói đến quốc gia đang có xung đột với Nga. Việc Hy Lạp vi phạm thỏa thuận là một dấu hiệu cho thấy nước này đang hoàn toàn nghiêng về  Mỹ/NATO và điều này không chỉ làm Nga khó chịu mà còn làm Thổ Nhĩ Kỳ hết sức chú ý.

Trong khi hệ thống S-300 sẽ tạo ra rất ít sự khác biệt trên chiến trường Ukraine, thì căng thẳng leo thang giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ lại mang tính hệ quả hơn nhiều cho NATO. Nhiều động thái của Mỹ ở Hy Lạp dường như được thiết kế để gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng bậc nhất trong NATO. 

Tất nhiên, chính quyền Biden đã gia tăng áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ với tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng Tổng thống Erdogan từ chối và mối quan hệ cùng có lợi giữa hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Nga còn phát triển gần gũi hơn nhiều. 

Tổng thống Putin giúp Tổng thống Erdogan thúc đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và đổi lại nước này lại cung cấp các sản phẩm của mình lẫn bên thứ 3 cho Nga. 

Tất nhiên chính quyền Joe Biden không bao giờ chấp nhận thực tế này và ngày càng thất vọng đến mức Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tiếp tục khơi lại chủ đề trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO hôm 3/1 vừa qua. 

Trong cuộc xung đột Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối trở thành một trung tâm của Mỹ và NATO để phục vụ việc chuyển quân và tiếp tế vào khu vực Biển Đen.

Thay vào đó, chính quyền Biden đã quay sang Hy Lạp và tăng cường kiểm soát cảng Alexandroupolis của Hy Lạp ở phía đông bắc nước này, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 18 dặm và sử dụng cảng này như một điểm nhập cảnh để gửi hàng tiếp tế tới Ukraine. Các quan chức quân sự Mỹ còn đề xuất đào sâu và mở rộng cảng Alexandroupolis để tiếp nhận các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ.

Trên thực tế, những nỗ lực này càng chỉ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xích lại gần nhau hơn, đồng thời làm tăng khả năng xảy ra xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào tháng 11, Hy Lạp đã hủy bỏ kế hoạch tư nhân hóa cảng Alexandroupolis và có khả năng tặng nó cho quân đội Mỹ. Quyết định của Mỹ xây dựng một pháo đài bên ngoài cảng Alexandroupolis được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ  quyết định đóng eo biển Thổ Nhĩ Kỳ đối với tất cả các tàu chiến sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, bao gồm cả các đối tác NATO muốn gửi vũ khí tới Ukraine qua eo biển này. 

Ai cũng hiểu quyết định đóng cửa eo biển là rất có lợi cho Nga, nhưng động thái này của Tổng thống Erdogan hoàn toàn tuân thủ các quyền theo Công ước Montreux 1936 Về Chế độ Eo biển, trong đó ghi nhận việc không làm cho cuộc xung đột Ukraine trở nên tồi tệ hơn. Tất nhiên việc làm này khiến chính quyền Biden thêm phần tức tối. 

Vào tháng 9, Hy Lạp đã nhận được hai máy bay phản lực quân sự F-16 đầu tiên từ Mỹ như một phần của chương trình trị giá 1,5 tỷ USD nhằm nâng cấp hạm đội Hy Lạp. Trong khi ấy, Mỹ lại loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 của Mỹ do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Vì vậy chính phủ Tổng thống Erdogan hoàn toàn có quyền lo ngại Hy Lạp có thể có lực lượng không quân mạnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.

Đáp lại, Tổng thống Erdogan đã phản ứng theo cách ngỗ nghịch nhất có thể, khiến giới quan sát càng thêm lo lắng khi tờ Express của Anh hôm 13/12 đưa tin như sau:

“…Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chế tạo tên lửa đạn đạo tầm ngắn của riêng mình có tên Tayfun, thứ mà theo ông là “khiến người Hy Lạp sợ hãi”.

Ông ấy nói thêm: “Tất nhiên là sẽ như vậy. Nếu bạn không giữ được bình tĩnh, nếu bạn cố gắng mua những thứ từ Mỹ và những nơi khác (để trang bị vũ khí) cho các đảo, thì một quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ… phải làm điều gì đó”.

Gần đây, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi lại cảnh Hy Lạp triển khai xe bọc thép do Mỹ viện trợ trên các đảo Lesbos và Samos. Những động thái như vậy có khả năng vi phạm Hiệp ước Lausanne năm 1923 và Hiệp ước Hòa bình Paris năm 1947 .

Mỹ cũng đang đề xuất với quân đội Hy Lạp thay thế tất cả các thiết bị quân sự do Nga sản xuất, bao gồm cả hệ thống phòng không, bằng các thiết bị quân sự mới do Mỹ sản xuất. Đây là một phần trong kế hoạch chuyển giao S-300 do Nga sản xuất cho Ukraine và sau đó Hy Lạp sẽ nhận lại được các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Bất chấp những khó khăn về tài chính, Hy Lạp đã chi 3,8% GDP cho quốc phòng vào năm 2021, đứng đầu trong khối NATO. Như một phần thưởng cho chính phủ Hy Lạp, Thủ tướng nước này là ông Mitsotakis đã được mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 5/2022, và là thủ tướng Hy Lạp đầu tiên làm như vậy. 

Vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ đã coi tất cả các động thái của chính quyền Biden ở Hy Lạp không chỉ nhằm vào Nga mà còn nhằm cả vào nước này. 

Những luận điệu ngày càng đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp về lãnh hải, người nhập cư và tình trạng của các đảo Aegean đã và đang đẩy hai nước này tiến tới bờ vực chiến tranh. Điều đáng nói cả hai đều là thành viên của NATO. 

Lịch sử ghi nhận Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp từng suýt xảy ra xung đột quân sự vào năm 1987, 1996 và năm 2020. Lần gần đây nhất là do một tai nạn khi tàu chiến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ va chạm nhỏ trong một cuộc đối đầu ở phía đông Địa Trung Hải. 

Quay trở lại vấn đề chính: Liệu mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Thụy Điển có phải  là một màn phô trương để dằn mặt trả đũa Mỹ hay không. Hay chính Mỹ hiện đang muốn gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO bằng cách ký hiệp ước an ninh song phương với Thụy Điển – một đặc quyền thường chỉ dành cho các thành viên NATO?

Điều đáng nói là trong cuộc xung đột tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ giống như Ấn Độ, đã và đang cố gắng xác lập một lộ trình độc lập về mặt địa chính trị. Nhưng Ấn Độ không phải là thành viên chủ chốt của NATO.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ coi việc Mỹ trang bị vũ khí cho Hy Lạp là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, thì nước này tất nhiên sẽ phải chơi bài ngửa với Mỹ là cản trở sự gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. 

Tuy nhiên, chính quyền Biden đang quyết tâm sử dụng Hy Lạp để gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ mà mục đích sâu xa hơn chính là chống lại Nga về mặt chiến lược. 

Những diễn biến trên chiến trường ngày càng khó để chính quyền Biden nhận thấy rằng cuộc chiến Ukraine đang diễn ra suôn sẻ như Nhà Trắng kỳ vọng.  Ngay cả tờ Washington Post gần đây cũng cho rằng, thời gian đã không đứng về phía Ukraine nữa. Vì vậy chính quyền Biden tin rằng, nếu họ không đạt được những gì họ mong muốn ở Ukraine, thì họ sẽ phải đạt được ở những nơi khác, ví dụ việc mở rộng NATO chẳng hạn. 

Vì vậy khả năng cao chính quyền Biden quyết tâm sẽ nhổ cái gai Thổ Nhĩ Kỳ mà đặc biệt là chính phủ của Tổng thống Erdogan, vì vậy điểm nóng Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ bùng nổ.

Có thể bạn quan tâm: