Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: Cần cách chức hiệu trưởng lạm thu để răn đe
Câu chuyện lạm thu đầu năm học dường như không bao giờ có hồi kết. Các khoản thu bị biến tướng, đẩy gánh nặng về phía phụ huynh học sinh. Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều ý kiến đề xuất cần xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường nếu xảy ra lạm thu, thậm chí cần cách chức hiệu trưởng.
Các khoản thu dự kiến diễn ra “đúng quy trình”
Các khoản thu đã được thống nhất trong lãnh đạo trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, thông báo đến phụ huynh của tất cả 30 lớp để lấy ý kiến thỏa thuận. Đây là câu chuyện xảy ra trong năm học 2018-2019 tại Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội)
Theo danh sách khoản thu đầu năm học, trường Sơn Đồng thu 18 khoản với tổng số tiền 8 triệu đồng. Các khoản thu chủ yếu là: Quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng; quỹ lớp 300.000 đồng; quỹ học tập 150.000 đồng; tiền trông giữ ngoài giờ 9 tháng (7.000 đồng/tiết, tuần 4 tiết) 1.008.000 đồng, tiền học 2 buổi trong 9 tháng 900.000 đồng (100.000 đồng/tháng); tiền vệ sinh 100.000 đồng…
Từ phản ánh của phụ huynh, UBND huyện Hoài Đức đã lập hội đồng xem xét 18 khoản thu đầu năm học của Trường Tiểu học Sơn Đồng. Cuối cùng quyết định cảnh cáo bà Nguyễn Kim Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Đồng.
Sau quyết định của huyện Hoài Đức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Đồng đã gửi đến phụ huynh “Thông báo các khoản thu năm học 2018-2019” mới với 6 khoản gồm 3 khoản bắt buộc và 3 khoản tự nguyện theo đúng quy định. So với bản thông báo thu tiền hồi tháng 9/2018, bản mới này giảm từ 18 khoản với tổng số 8 triệu đồng xuống còn 6 khoản với số tiền 2 triệu đồng.
Cũng liên quan đến chuyện thu chi đầu năm học, phụ huynh Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì băn khoăn về số tiền phải trả cho dịch vụ sổ liên lạc điện tử (hình thức tin nhắn điện thoại), theo báo Lao Động.
Theo phụ huynh, số tiền phải đóng 30.000 đồng/tháng/học sinh để hằng ngày nhận lại 1 tin nhắn thông báo với nội dung chung chung, viết tắt, viết không dấu khiến phụ huynh phải “đau đầu dịch” là quá đắt, không tương xứng. Trong khi đó, hiện nay lớp nào cũng lập nhóm trên Facebook, Zalo và nhiều mạng xã hội khác để tận dụng, duy trì liên lạc, kết nối giữa phụ huynh và giáo viên. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nhận được “gợi ý” của nhà trường để đăng ký việc nhận tin nhắn mất phí.
Khoản thu sổ liên lạc điện tử không nằm trong các khoản thu của nhà trường theo quy định.
Xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường
Năm học 2020-2021, trong Chỉ thị đầu năm học mới, Bộ GDĐT yêu cầu chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục tuân thủ đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, theo phụ huynh, nạn lạm thu vẫn tái diễn với nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt ngày càng tinh vi hơn. Hiện nay, các nhà trường không đứng ra thu các khoản tiền như xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, khen thưởng thầy cô giáo, phí chăm sóc ngoài giờ, sổ liên lạc điện tử… mà mượn danh nghĩa của Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu.
Dù theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, các khoản tiền nói trên Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được phép thu, nhưng quy định là một chuyện còn thực tế lại khác. Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều khi trở thành cánh tay nối dài của nhà trường, tiếp tay cho lạm thu. Nếu khi phát hiện, thì chỉ cần xử lý theo cách trả lại tiền phụ huynh, không liên quan đến lãnh đạo nhà trường.
Để không lặp lại câu chuyện này, theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT – ngoài việc phụ huynh dũng cảm lên tiếng từ chối đóng những khoản tiền sai quy định, thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Đặc biệt, khi phát hiện thông tin lạm thu, cần xử lý nghiêm, cách chức người đứng đầu nhà trường để răn đe.