Bà Novilia Sjafri Bachtiar, nhà khoa học phụ trách chương trình thử nghiệm vắc xin Sinovac của Trung Quốc tại Indonesia, đã qua đời hôm 7/7 sau khi mắc Covid-19.

Cái chết của bà Novilia Sjafri Bachtiar xảy ra trong lúc số ca tử vong vì Covid-19 tăng cao kỷ lục ở Indonesia – một trong những quốc gia tiêm phòng rộng rãi vắc xin của Trung Quốc từ đầu. Nhiều nhân viên y tế nước này cũng mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 dù đã tiêm vắc xin Trung Quốc.

Sự việc làm tăng thêm hoài nghi về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc trong việc giảm số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở Indonesia.

Chỉ riêng ngày 7/7, Indonesia ghi nhận hơn 34.000 ca mắc mới và hơn 1.000 ca tử vong. Chính quyền địa phương nhận định làn sóng lây nhiễm mới chủ yếu do biến chủng Delta từ Ấn Độ.

Số liệu của tổ chức Lapor COVID-19 cho thấy 131 nhân viên y tế Indonesia, đa số được tiêm vắc xin Sinovac, đã tử vong kể từ tháng 6, trong đó 50 ca chết vào tháng 7.

Nhà khoa học vắc xin của Indonesia chết nghi do mắc Covid-19

Chuyên gia Novilia, mới hơn 50 tuổi, cũng qua đời trong lúc được điều trị Covid-19 tại bệnh viện, theo tờ The Jakarta Post. Bà là nhà khoa học chính và là người đứng đầu hàng chục thử nghiệm lâm sàng của hãng BioFarma, bao gồm các dự án hợp tác vắc xin với Sinovac.

Bộ trưởng Doanh nghiệp Quốc doanh Erick Thohir bày tỏ trên Instagram về cái chết của bà Novilia là tổn thất lớn cho BioFarma, hãng sản xuất vắc xin Sinovac ở Indonesia. “Vaccine này đã được sản xuất và tiêm chủng cho hàng chục triệu người ở Indonesia trong nỗ lực thoát khỏi đại dịch Covid-19 của chúng ta”, ông Thohir nói thêm.

Ông Thohir không đề cập đến nguyên nhân tử vong của bà nhưng nhiều tờ báo của Indonesia cho hay bà qua đời vì Covid-19. Một quan chức của Bio Farma cho biết vị chuyên gia được chôn cất theo quy trình xử lý bệnh nhân Covid-19.

Thái Lan nghi ngờ hiệu quả, Singapore nói tiêm vắc xin Trung Quốc không được tính

Cơ quan y tế của Singapore tuyên bố những người đã tiêm vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất sẽ không được tính là đã tiêm vắc xin.

“Số lượng tiêm chủng quốc gia chỉ phản ánh những trường hợp được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Hiện tại, điều này chỉ bao gồm những người được tiêm vắc xin Moderna COVID-19 và Pfizer-BioNTech / Comirnaty”, Bộ Y tế Singapore tuyên bố hôm 6/7.

Giới chức y tế Singapore cho biết không có đầy đủ dữ liệu cho thấy hiệu quả của vắc-xin Sinovac của Trung Quốc trong việc chống lại Covid-19, cụ thể là biến chủng Delta. Biến thể này đã trở thành chủng Covid-19 phổ biến nhất tại Singapore.

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan hôm 5/7 cũng thừa nhận một biên bản trong đó các quan chức ngầm cho rằng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc không hiệu quả.