Tro cốt vô thừa nhận các nạn nhân tử vong do Covid-19 được giám đốc một trung tâm hỏa táng ở Ấn Độ quyết định trộn với đất, cát và phân bò để xây công viên tưởng niệm.

Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, trung tâm hỏa táng Bhadbhada Vishram Ghat ở thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, chất đầy các bình đựng tro cốt không được gia đình người thân đến nhận, theo SCMP.

Ông Mamtesh Sharma, giám đốc trung tâm hỏa táng trên cho biết, vào cao điểm của làn sóng Covid-19 thứ hai, có 100-150 thi thể được hỏa táng mỗi ngày. “Chúng tôi phải tìm nơi đặt các bình tro cốt. Chúng tôi liên tục bổ sung các ngăn tủ để đựng chúng, nhưng giờ đây không còn chỗ trống nào nữa”, ông nói.

Theo phong tục của đạo Hindu, số tro cốt này thường được thân nhân rải xuống sông như một phần nghi lễ hỏa táng. Tuy nhiên, ông Sharma không muốn làm ô nhiễm dòng sông trong vùng với một lượng tro cốt khổng lồ như vậy. Được biết để hỏa táng một thi thể cần 500kg gỗ và quá trình này sinh ra 50kg tro bụi.

“Một số gia đình sợ hãi đến mức khi đưa người chết đến, họ đặt xác ở cổng rồi bỏ đi, để nhân viên của tôi thực hiện các nghi thức khâm liệm cuối cùng”, ông Sharma nói. Một số người lo sợ nhiễm virus từ tro cốt, một số không thể đến do lệnh phong tỏa, số còn lại chỉ lấy một lượng tro cốt nhỏ rồi rời đi, vì vậy, tro cốt của 6.000 người vẫn còn ở lò hỏa táng.

Do đó, ông Sharma và các đồng nghiệp quyết định trộn tro cốt với đất, cát, mùn cưa gỗ và phân bò rồi rải lên khu đất hoang gần đó để xây dựng công viên tưởng niệm nạn nhân Covid-19.

Tuần trước, các thầy tu của đạo Hindu đã đọc kinh cầu nguyện và đặt hoa cúc vạn thọ trước khi bắt đầu trộn tro. Thủ hiến Shivraj Singh Chouhan của bang Madhya Pradesh cũng tự tay trồng cây non đầu tiên trong công viên.

Ông Sharma cho biết nhiều người sống sót sau đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ muốn trồng và chăm sóc cây tại công viên. Ông hy vọng công viên sẽ là nơi tưởng niệm những nạn nhân Covid-19 đã qua đời, cũng như đền bù cho những nghi thức an táng được thực hiện vội vã trong đại dịch.