Phú Quốc: Mua đất từ năm 2004 được nhà nước công nhận rồi thành sở hữu của 4 người xa lạ
Ông Dũng tố giác việc mảnh đất hơn 5.000 mét vuông mua ở xã Dương Tơ (Phú Quốc) năm 2004, được chính quyền chứng thực nay đã bị chia thửa, cấp quyền sở hữu cho 4 người lạ mặt theo một lộ trình kỳ lạ. Điều này dẫn đến tranh chấp, có thể xảy ra nguy cơ dẫn đến án mạng.
‘Đất tranh chấp’ liên tục được chuyển nhượng, tách thửa
Trong đơn gửi công an, TAND TP. Phú Quốc (Kiên Giang) kèm văn bản pháp lý, ông Nguyễn Tuấn Dũng (sinh năm 1974, thường trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Năm 2003, ông Dũng có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Hồ Trung Thành, thửa số 37; tờ bản đồ số: 01; diện tích 5.400 m2 tọa lạc tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Sau đó, Hợp đồng chuyển nhượng được Ủy ban nhân dân xã Dương Tơ chứng thực ngày 2/6/2004. Các giấy tờ pháp lý đã đầy đủ, song do có dự án đường vòng quanh đảo Phú Quốc đoạn An Thới – Cửa Lấp nên thời điểm đó chính quyền chưa cấp sổ cho ông.
Tới ngày 13/9/2013, UBND huyện Phú Quốc đã ra quyết định thu hồi một phần đất (trong diện tích thửa đất chuyển nhượng từ ông Thành) và đền bù cho ông Dũng tiền đất, hoa màu, vật kiến trúc là 203.326.900 đồng.
Sau đó, ông Thành qua đời, trong khi do đặc thù công việc nên đến năm 2016 ông Dũng mới liên hệ với bộ phận tiếp nhận và trả lời kết quả của Uỷ ban nhân dân huyện Phú Quốc để làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất. Bất ngờ khi ông Dũng nhận được câu trả lời là giấy quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị Chiều (vợ của ông Thành). Để tránh biến động, ông Dũng lập tức làm thủ tục khởi kiện và được Toà án huyện Phú Quốc thụ lý số: 162/TB-TLVA năm 2017.
Theo ông Dũng, điều khác thường diễn ra sau đó, là hàng loạt vụ chuyển nhượng, tách thửa mảnh đất hơn 5.000 mét vuông mà ông không hay biết. Biến động đầu tiên vào ngày 23/01/2017, diện tích đất theo đo đạc thực tế 4207,9 m2, thuộc thửa 12, tờ bản đồ số 29, toạ lạc tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ do bà Nguyễn Thị Chiều đứng tên quyền sử dụng đất đã được tặng cho Hồ Việt Thắng.
Kế đó, năm 2018, khi sơ đồ trích đo hiện trạng thửa đất này vẫn được Văn phòng đăng ký đất đai thể hiện là “Đất tranh chấp”, song gia đình bà Chiều vẫn biến động được thửa đất này cho người có tên là Nguyễn Tấn Phát. Đến nay, thửa đất này đã được tách thành 4 thửa với người sở hữu khác nhau; bốn thửa gồm: Thửa 652 Nguyễn Hoàng Sơn 1207.3 m2; Thửa 636 Nguyễn Thị Hồng Thuý 1000.0 m2; Thửa 637 Đặng Tấn Lợi 1000.4 m2; Thửa 638 Nguyễn Tiến Sơn 1000.2 m2.
Theo ông Dũng, điều ông thắc mắc, tại sao các vụ chuyển nhượng có thể diễn ra trên thửa đất “Đang tranh chấp” một cách chóng vánh như vậy, trong khi tòa đang thụ lý vụ kiện của ông? Ông Dũng dẫn chứng các mốc thời gian: “Toà án huyện Phú Quốc thụ lý vụ kiện số 162/TB-TLVA năm 2017. Đến ngày 12/05/2020, Toà án TP. Phú Quốc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu khởi kiện. Tôi lập tức kháng cáo. Đến ngày 02/7/2021, Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định huỷ quyết định đình chỉ của Toà Phú Quốc. Rồi đến ngày 21/03/2022, Toà án TP. Phú Quốc đã ra quyết định số 96/2022/TLST-DS thụ lý tiếp tục vụ án này”.
Ông Dũng đặt câu hỏi, trong thời gian vụ án đang tiến hành, những ai có trách nhiệm đã đồng ý tách thửa, cấp sổ đỏ cho 4 người nêu trên liệu có làm đúng luật?
Hậu quả là xung đột, nguy cơ mất an toàn tính mạng
Hiện sự việc nóng lên, gây mâu thuẫn, có thể phát sinh xung đột giữa người sở hữu mảnh đất từ năm 2004 và những người đang có trong tay sổ đỏ. Vào ngày 4/8/2022, đã có một nhóm người đến chửi bới, đe dọa, hành hung, rồi đập trụ, cắt nát hàng rào thay đổi hiện trạng thửa đất có từ năm 2004. Khi công an tới lập biên bản thì những người này cho rằng phía ông Dũng là bao chiếm đất.
Kế đó, một nhóm người vẫn ngang nhiên đốn hạ cây cối (khoảng 12 gốc Tràm vàng đã tạo lõi khoảng 40cm); san ủi, đổ đất… gây tổn thất về tài sản. Theo tính toán của Tòa, tới 17/8/2022 việc san ủi đất trái phép này lên tới 650 triệu đồng.
Theo ông Dũng, lo ngại sự việc này không chỉ là cướp đoạt tài sản mà còn có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tính mạng của những người liên quan, ông Dũng trình báo xã thì được hướng dẫn là cần chờ quyết định của Toà.
Ông Dũng làm đơn trình lên công an TP. Phú Quốc, nhưng đơn không được thụ lý do CSĐT công an TP. Phú Quốc cho rằng, đây là ‘tranh chấp dân sự” và cũng hướng dẫn ông Dũng liên hệ Tòa. Trong khi đó, đơn gửi Tòa án Phú Quốc đề nghị khẩn cấp “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” đến nay vẫn chưa có động thái rõ rệt gì.
Trong khi đó, về sự việc này, ông Nguyễn Tiến Sơn – một trong 4 người đang có sổ đỏ sau khi tách thửa mảnh đất, nói rằng: Phần đất này ông đã nhận chuyển nhượng lại từ ông Nguyễn Tấn Phát. Ông Sơn xác nhận đang cho người xây dựng công trình tạo trên đất để kinh doanh quán cà phê và buôn bán hải sản…
Sau hơn nửa tháng đơn thư khắp nơi trong “vô vọng”, ông Dũng nói ông vẫn kiên trì và hy vọng lời “kêu đòi công lý” sẽ kịp đến được nơi cần đến.