Nhà văn Nguyễn Quang Vinh vừa đăng đàn bài viết “Xin những nhà biên soạn sách giáo khoa đặt mình vào con trẻ” trên Dân Việt, trong đó phản biện về cuốn Tiếng Việt 1 do ông Nguyễn Minh Thuyết chủ biên.

Trong bài báo đăng sáng 12/10, nhà văn Nguyễn Quang Vinh dẫn ra những thống kê mà ông cho là “sách Cánh Diều đã vấp phải sạn, rất khó chịu và rất tai hại cho học trò”.

Cụ thể, về văn bản: 46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài, trong đó có 8 bài được tách ra thành 2 phần cho 2 bài, làm lệch lạc về nội dung.

Về nội dung: Có gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ (đe doạ, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ), không có tính giáo dục.

Các nhân vật chủ yếu trong bài đọc chủ yếu có quan hệ không thân thiện (dê đen- dê trắng, quạ – sẻ, hổ- thỏ, thỏ- rùa, ve – gà, gà nhí -quạ, cò – quạ, chó – quạ, quạ -gà, cua- cò -cá, chuột út – mèo, chuột út – gà trống, chồn – gà rừng, cá măng – cá mập, thợ săn – vượn, lừa – thỏ – cọp v.v), hoặc không có quan hệ gì trong thực tế để liên tưởng (thỏ – cún – vượn)…

Các hoạt động, cảm xúc chủ yếu của các nhân vật này là: Sợ (thống kê sơ bộ ở mấy bài đã khoảng chục lần), lo, ăn thịt, doạ, dữ, dám, giả vờ, la, than, cuỗm, quắp, tợp, tha, la, cắn, mổ, nhá, chộp, tóm cổ, kẹp cổ, nuốt mồi, bắt, chén, hùng hục, phàn nàn, than thở, lầm rầm, van xin, than thở, liếm, la liếm, vùng vằng, lem lẻm, cằn nhằn, gật gù…

Về ngôn từ: Dùng quá nhiều các từ ngữ phương ngữ, khẩu ngữ, từ ngữ ít dùng: Gà nhí, gà nhép, sẻ ri, ca ri ri, pianô, xe téc, nhá cỏ, nhá dưa, quà quà, chả (lo), tí gì, vù, vọt, hí hóp, la liếm, tỏ vẻ, thô lố, ngó, ngộ, nom, ướt nhẹp, dăm (nhà)…

Ông Vinh đặt ra hàng loạt câu hỏi: Kho tàng văn học Việt Nam ở đâu trong bộ sách này? Tại sao lại phải ép học sinh học phương ngữ khi vốn từ vựng Việt đang rất phong phú và quý giá? Văn chương trước khi đưa ý, đưa chuyện, đưa đạo tới người xem là ngôn từ, ngôn từ không hay, ngôn từ khô khốc, vô cảm như người ta đang làm theo cách ” phỏng theo” liệu lợi hay hại? Biết chữ nhưng lại biết thêm những ngôn từ xấu, ý tứ xấu thì biết chữ làm gì?

Nhà văn kết luận: “Khi người soạn sách cho lứa tuổi tiểu học, đặc biệt là lớp 1 mà không đặt mình vào nhận thức, tư duy, sở thích của các con trẻ thì những bài học sẽ trở nên xa lạ, từ xa lạ sẽ làm ảnh hưởng khôn lường đến nhận thức, trí tuệ của các con”.

Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nói gì?

Trên truyền thông, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định khi viết các câu chuyện trong sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều, tác giả đã suy xét đến tính giáo dục.

Theo Zingnews, những câu chuyện trong Tiếng Việt 1 như Hai con ngựa, Cua, cò và đàn cá bị chỉ trích thiếu tính giáo dục, thậm chí là “dạy trẻ thói khôn lỏi”. Trong khi đó, hai truyện Ve và gà, Hai con ngựa bị cho rằng không đúng với bản gốc.

Ông Thuyết cho biết truyện về ngựa ô, ngựa tía phỏng theo câu chuyện Ngựa đực và ngựa cái của nhà văn Lev Tolstoy trong quyển Kiến và bồ câu của NXB Kim Đồng, bản dịch của nhà văn Thúy Toàn.

Ngoài ra, Tolstoy còn có truyện khác cũng nói về hai con ngựa. Ông Thuyết đoán có thể một số người căn cứ vào truyện này.

“Họ chỉ biết một truyện rồi chỉ trích tác giả bịa. Tôi thấy phê bình như vậy rất vội vàng”, ông Thuyết nói.

Về truyện Ve và gà, ông cho biết ở bản gốc, hai nhân vật là ve và kiến. Do học sinh chưa học vần “iên”, tác giả đổi thành gà, song cốt truyện không thay đổi.

Ngoài ra, ông Thuyết cho biết trong quá trình sửa, các tác giả đã tính đến tính giáo dục của câu chuyện và chỉnh sửa để đỡ nặng nề. Ví dụ, ở truyện Ve và gà, trong bản gốc, khi ve đến xin thức ăn cho mùa đông, kiến hỏi sao ve không ca hát nữa đi. Chi tiết này được sửa thành gà cho ve thức ăn và dặn ve “chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chả lo gì.”

Ở truyện Hai con ngựa, bản gốc ghi ngựa đực, ngựa cái, do học sinh chưa học các vần “ưc”, “ai” và để tránh bị cho là ám chỉ phụ nữ lười, đàn ông chăm, tác giả sửa thành ngựa tía, ngựa ô. Chi tiết ngựa cái khuyên ngựa đực nếu chủ đánh thì “tung vó đá cho ông một cái” cũng được đổi thành ngựa tía nói ngựa ô “trốn đi”.

Trong truyện Cua, cò và đàn cá, cái kết trong bản gốc (cua kẹp đứt cổ cò) ghê rợn. Do đó, tác giả sửa câu chuyện dân gian này thành cua bắt cò đưa về hồ cũ.

Bên cạnh đó, liên quan các câu chuyện trong sách Tiếng Việt 1, ông Thuyết cho rằng một số bài tách ra làm hai bài do dài, song hai bài được dạy liền nhau.

“Ý nghĩa giáo dục toát lên từ toàn bộ câu chuyện, sao có thể cắt một nửa? Như truyện Hai con ngựa, một số người đọc phần 1 rồi đưa ảnh chụp phần 1 lên mạng, bảo truyện xui trẻ em lười lao động. Làm sao nhà văn vĩ đại như Tolstoy viết như thế được?”, ông Thuyết bày tỏ.

Theo ông Thuyết, việc hiểu truyện như thế nào tùy vào tâm địa mỗi người. Ví dụ, đọc truyện Cua, cò và đàn cá, có thể một số người bảo dạy học sinh tính lừa lọc của cò. Nhưng bài học rút ra từ truyện dân gian này là không nên nhẹ dạ nghe lời lừa dối của người xấu. Dạy trẻ cảnh giác với người xấu là cần thiết. Sách giáo viên đã hướng dẫn để thầy cô giúp học sinh hiểu ý nghĩa của câu chuyện.

“Làm sao sách giáo khoa dạy học sinh lừa lọc được. Kể cả không có sách hướng dẫn, thầy cô cũng sẽ giải thích cho học sinh hiểu. Đó là nghiệp vụ sư phạm”, ông nhấn mạnh trên Zingnews.

“Tôi thật bất ngờ khi Bộ trưởng giáo dục lại phát công văn (dù chiều qua chủ nhật) yêu cầu Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt kiểm tra, thẩm định, trả lời về chất lượng, nội dung sách mà dư luận xã hội đang phản đối. Bất ngờ vì cách làm của Bộ này. Lấy chính cái Hội đồng đã thẩm định để thẩm định lại cái mà mình đã thẩm định thì thật hài hước” – nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ trên Facebook cá nhân ngày 12/10.

“Sở dĩ sách không dạy ca dao tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung của ca dao, tục ngữ. Do vậy, chúng tôi sẽ dạy ca dao tục ngữ ở lớp khác, khi học sinh có nhận thức phù hợp hơn” – ông Nguyễn Minh Thuyết trả lời trực tuyến câu hỏi “vì sao sách giáo khoa lớp 1 lại không lựa chọn ca dao, truyện ngụ ngôn Việt Nam” của độc giả VnExpress, chiều 12/10.