Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, dẫn chứng tình hình tội phạm băng nhóm xã hội đen xảy ra rất nhiều sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử”. Ông Tới cũng khẳng định nội dung nhiều phim chưa phù hợp.

Sáng 14/9, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới đề nghị phải quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đưa phim lên không gian mạng, nhất là những phim có vấn đề liên quan tới an ninh, quốc phòng, hải đảo, hay trẻ em, tôn giáo, dân tộc, theo Thanh niên.

Thiếu tướng Tới cũng đề nghị cần có quy định rõ ràng và chi tiết hơn về nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

Theo ông Tới, một số bộ phim hiện nay có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật. Ông nêu ví dụ về việc phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ… trong khi một số phim lại phản ánh quá chân thực, chi tiết về sự tự diễn biến – chuyển hóa, vô hình chung làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước.

“Điển hình như mới đây, sau khi VTV1 chiếu phim Người phán xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều”, ông Tới nói và nhấn mạnh rằng nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật lại không giải quyết được, mà giao cho ông trùm làm người phán xử, thậm chí cả lực lượng công an cũng bị phán xử.

“Phim đó lại chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”, ông nói thêm.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Hùng cho biết ban soạn thảo sẽ gắn tiền kiểm và hậu kiểm để bảo đảm an ninh chính trị. “Những công việc khác chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu”, ông Hùng nói.

Chia sẻ với VnExpress, đạo diễn Khải Hưng cho rằng đánh giá trên mang tính chủ quan. Theo ông, phim Người phán xử được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Isarel, không phải nhân vật có thật tại Việt Nam. 

Vào năm 2017, khi lên sóng trên VTV3, phim tạo được hiệu ứng lớn trên mạng xã hội. Thời điểm đó, không có báo cáo về việc phim gây tác động xấu đến xã hội. “Trình độ dân trí nâng cao, khán giả xem phim để giải trí, thưởng thức chứ không bắt chước ai cả”, ông nói.

Đạo diễn Khải Hưng nhận định hiện nay có nhiều ứng dụng truyền hình trực tuyến như Netflix, HBO… phát sóng nhiều phim nước ngoài có yếu tố bạo lực, tội phạm hơn gấp nhiều lần phim Việt, được đông đảo giới trẻ quan tâm. “Tại sao không tính đến trường hợp họ nhận thức sai và bắt chước từ đây, mà chỉ nhắc tới phim Việt”, ông Khải Hưng nói.