Sầu riêng xuất khẩu: Hết thời hoàng kim?

Sầu riêng vào vụ thu hoạch đúng dịp lễ nhưng không còn cảnh “cháy hàng, hét giá” như trước. Sản lượng tăng, chất lượng cải thiện nhưng xuất khẩu lại giảm mạnh do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
- Cát-xê của Hòa Minzy tăng gấp đôi sau thành công của MV Bắc Bling
- Tập Cận Bình và thế thượng phong trong cuộc thương chiến với Donald Trump
- Trà xanh cho da dầu vì sao lại được ưa chuộng?
Nội dung chính
Giá tăng nhẹ nhưng chưa hết lo
Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày đầu tháng 5, các vựa thu mua sầu riêng vẫn tất bật. Tại Tiền Giang, vựa Vạn Phát Thành thông báo ngày 2-5 giá thu mua giống Ri 6 loại A ở mức 54.000 đồng/kg, loại B là 34.000 đồng/kg; tăng nhẹ so với những ngày trước đó.
Với giống Monthong (Dona, Thái), giá loại A đạt 75.000 đồng/kg, loại B là 55.000 đồng/kg. Ở Đông Nam Bộ, giá sầu riêng thậm chí cao hơn miền Tây từ 3.000 – 4.000 đồng/kg do chất lượng được cải thiện, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu.
Ông Nguyễn Viết Vị – Giám đốc HTX Thương mại – Dịch vụ Phước Thiện (Bình Phước); cho biết giá sầu riêng tại vườn hiện đạt 45.000 – 50.000 đồng/kg, tăng so với tuần trước. Tuy vậy, mức giá này vẫn thấp hơn 10.000 – 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Cạnh tranh gia tăng, thị trường bị siết
Một vấn đề lớn hiện nay là thời gian thông quan sầu riêng vào Trung Quốc kéo dài tới 7 ngày (trước đây chỉ 3-5 ngày), do nước này kiểm tra 100% lô hàng. Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn “đụng mùa” với Thái Lan, khiến sức ép cạnh tranh gia tăng.
Bà Võ Thị Trúc Thanh – Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Trung (Đồng Nai); nhận định sầu riêng cuối vụ miền Tây và đầu vụ miền Đông đang dồi dào, nên giá khó có thể duy trì ở mức cao. Với giá thu mua Ri 6 khoảng 40.000 đồng/kg tại vườn, doanh nghiệp cấp đông vẫn chưa dám nhập hàng nhiều vì không hiệu quả kinh tế.
“Người trồng đã quen với giá cao nên thấy giá hiện tại là thấp, nhưng với người tiêu dùng, mức này vẫn chưa thật sự dễ tiếp cận,” bà Thanh nói.
Xuất khẩu sầu riêng sụt mạnh
Theo ông Nguyễn Văn Mười – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit); xuất khẩu sầu riêng đang đối mặt thách thức nghiêm trọng. Sau năm 2024 đầy bùng nổ với giá trị xuất khẩu đạt 3,3 tỉ USD, quý I/2025 chỉ ghi nhận 98 triệu USD, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Trung Quốc chỉ đạt 49,6 triệu USD, giảm đến 78%.
Lý do chính là Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm tra chỉ tiêu cadimi, vàng O; đồng thời nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm do ảnh hưởng kinh tế từ các rào cản thương mại quốc tế, đặc biệt là với Mỹ.
Nguy cơ dư cung, cần thay đổi tư duy
Sầu riêng mang lại lợi nhuận lớn khiến diện tích trồng tăng nhanh, nhiều vùng trồng mới chưa được kiểm soát đầy đủ. Các chuyên gia cảnh báo nếu không điều tiết sản xuất, nguy cơ dư cung là rất lớn.
“Nông dân không nên chủ quan rằng sầu riêng luôn bán được, chỉ khác nhau ở giá cao hay thấp. Chìa khóa là đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và sản xuất theo chuẩn quốc tế,” ông Mười nhấn mạnh.
Tuy vậy, chuyên gia cũng khuyến cáo không nên vội vàng chặt bỏ cây sầu riêng. Những vùng trồng có năng suất, chất lượng cao, chủ động được tưới tiêu vẫn có khả năng cạnh tranh tốt.
Cần mở rộng thị trường, nâng năng lực cạnh tranh
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực, nhưng việc phụ thuộc quá nhiều là rủi ro lớn. Ông Mười khuyến nghị các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các nước khác có nhu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, và cả Trung Đông.
Ngoài Thái Lan đối thủ quen thuộc – Việt Nam giờ đây còn cạnh tranh với các nước mới nổi như Lào, Campuchia. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào năng lực sơ chế, bảo quản, logistics và đàm phán thương mại để giữ vững vị thế trên bản đồ xuất khẩu sầu riêng thế giới.
Nguồn: Báo người lao động