Bộ trưởng Nội vụ cho biết các chức danh lãnh đạo chính quyền cấp xã sẽ được tổ chức theo hướng kiêm nhiệm, giảm số lượng cấp phó, nhằm tinh gọn bộ máy.

Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng kiêm nhiệm

Sáng 28/4, trình bày dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh mục tiêu lần sửa đổi này nhằm tinh gọn bộ máy, phân định rõ đơn vị hành chính hai cấp: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và xã, phường, đặc khu.

Theo đề xuất, chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã sẽ tiếp tục tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) để đảm bảo hoạt động thống nhất. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức sẽ dựa trên vị trí việc làm thay vì rập khuôn các phòng ban. Cụ thể, số lượng vị trí việc làm tại cấp xã sẽ tăng lên khoảng 23, so với bình quân 21 cán bộ, công chức hiện tại.

Bộ trưởng Trà lưu ý, nếu thành lập phòng ban chuyên môn ở cấp xã sẽ khiến số lượng lãnh đạo chiếm tới 1/3 tổng biên chế, trái ngược với mục tiêu tinh gọn. Vì vậy, đề xuất đặt ra là vận hành linh hoạt, giao quyền cho địa phương căn cứ vào thực tế quy mô, dân số để bố trí nhân sự phù hợp, có sự hướng dẫn và phối hợp của Ban Tổ chức Trung ương.

Kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo để giảm cấp phó

Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh việc thực hiện “kiêm nhiệm tuyệt đối” với các chức danh chủ chốt tại xã. Theo đó:

  • Bí thư sẽ kiêm Chủ tịch HĐND cấp xã.
  • Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã.
  • Trưởng các ban HĐND đồng thời kiêm trưởng các tổ chức đảng hoặc chính trị xã hội.

Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm Hành chính xã.

Ngoài ra, không nhất thiết phải bố trí cấp phó tại các cơ quan chuyên môn xã. “Một bộ máy nhiều tầng nấc trong khi chỉ vài công chức trực tiếp xử lý công việc cho dân là rất bất hợp lý”, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.

Đề xuất lấy phiếu tín nhiệm tại cấp xã

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra.
Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội Nguồn Báo VnExpress

Chính phủ cũng đề xuất mở rộng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND cấp xã bầu, nhằm tăng cường giám sát. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội đề nghị cân nhắc do Nghị quyết 96 hiện hành không áp dụng việc này tại cấp xã.

Dù vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Lê Thị Nga và Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đều ủng hộ. Họ cho rằng cấp xã là cấp gần dân nhất, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý.

Cơ quan thẩm tra đề xuất việc này sẽ quy định linh hoạt theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, tránh phải sửa luật nếu có điều chỉnh từ Bộ Chính trị. Dự kiến Luật sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5.

Công chức trúng tuyển sẽ không phải tập sự

Cùng sáng 28/4, trình bày dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự luật hướng tới việc tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, người trúng tuyển sẽ không phải tập sự mà được hưởng lương chính thức ngay.

Dự thảo cũng đề xuất bỏ thi nâng ngạch, thay bằng đánh giá bổ nhiệm theo năng lực thực tế. Đồng thời, bỏ kiểm định đầu vào quốc gia để tăng phân cấp tuyển dụng.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành phương án bỏ kiểm định, song lưu ý quy định về đánh giá công chức cần thực chất, tránh hình thức. Bộ trưởng Trà khẳng định dự luật sẽ góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, sàng lọc công chức yếu kém, đề cao đạo đức và trách nhiệm công chức.

Dự kiến, dự luật sẽ được trình Quốc hội thông qua theo quy trình rút gọn tại kỳ họp tháng 5 tới.

Nguồn Báo VnExpress