Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ngày 4/8 thông báo tàu chiến Bayern đã khởi hành tới châu Á  hôm 2/8, dự kiến con tàu sẽ đi qua Biển Đông và ghé thăm Việt Nam vào cuối năm nay.

Đó là một phần trong chuyến hành trình huấn luyện và tăng cường sự hiện diện kéo dài khoảng nửa năm của tàu chiến Bayern ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố: “Sứ mệnh của tàu chiến là cùng với các đối tác của Đức thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Ông Heiko Maas nhấn mạnh rằng: “Khu vực này quyết định trật tự quốc tế của tương lai. Chúng tôi mong muốn đảm nhận trách nhiệm và đóng góp vào quá trình định hình và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Đó là lý do Đức mở rộng quan hệ đối tác và các hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thông qua quan hệ đối tác giữa EU với ASEAN hoặc các tham vấn chính sách an ninh với Nhật Bản và Úc.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khinh hạm này sẽ đi qua Biển Đông và ghé thăm nhiều cảng tại các nước đối tác, gồm Úc, Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore, đồng thời tham gia các nhiệm vụ quốc tế.

Nước Đức thường xuyên nhấn mạnh ý nghĩa của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), đặc biệt là quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế được đảm bảo trong UNCLOS cũng như các Cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc được quy định trong đó.

Ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin, bình luận rằng việc gửi khinh hạm tới Biển Đông là một bước tiến lớn trong chính sách đối ngoại của Đức.

Đây cũng là tín hiệu quan trọng cho thấy Berlin quan tâm đến luật pháp quốc tế và tự do hàng hải ở khu vực, hợp tác chặt chẽ với các đối tác có cùng quan điểm trong khu vực.

Theo SCMP, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, ông Sun Keqincho nói rằng: “Chuyến đi tới Biển Đông của Đức là một động thái chiến lược trong việc hợp tác với Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc”.

Tuy nhiên ông cho rằng: “Đức vẫn coi Trung Quốc là một đối tác hợp tác về tổng thể và hợp tác là khía cạnh chính”. Do đó, Đức sẽ không tỏ ra quá cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Berlin cũng cố gắng không đe dọa Bắc Kinh khi có kế hoạch không đi vào giới hạn 12 hải lý của các khu vực tranh chấp. Ngoài ra, việc Đức đề nghị thăm cảng Thượng Hải của Trung Quốc cũng là một động thái ngoại giao.