Trong khi đang đưa quân tập trận ở Hoàng Sa, Trung Quốc đã âm thầm điều tàu hải cảnh áp sát mỏ Lan Tây, uy hiếp hoạt động khai thác dầu khí ở Việt Nam.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông – một tổ chức chuyên theo dõi, phân tích các hoạt động tại Biển Đông theo góc độ luật pháp quốc tế, đã xác nhận thông tin trên qua việc theo dõi dữ liệu AIS của tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc.

Các dữ liệu từ AIS cho thấy, tàu Hải cảnh 5402 của Trung Quốc rời Tam Á vào sáng 1/7/2020 và di chuyển xuống phía nam. Sáng 4/7 – nhằm ngày quốc khánh Mỹ, tàu Trung Quốc hướng về phía mỏ khí Lan Tây tại lô 06.1 với tốc độ lớn, 15 hải lý/giờ.

Liên tiếp các ngày 4-5/7, tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển về phía Bãi Tư Chính, khi cách giàn khoảng 30 hải lý thì giảm tốc độ và di chuyển chậm, thậm chí dừng lại trong khu vực này. Các thiết bị theo dõi phát hiện một tàu kiểm ngư của Việt Nam luôn theo sát tàu Hải cảnh này.

Xu hướng dịch chuyển của tàu hải cảnh Trung Quốc là áp sát giàn khoan Lan Tây ngày một gần hơn.  Lúc 7 giờ 42 phút ngày 6/7, tàu hải cảnh 5402 lao nhanh với tốc độ 14 hải lý/giờ về phía đông bắc ở vị trí cách mỏ Lan Tây khoảng 8 hải lý (về phía đông bắc), cách giếng PLDCC-1X thuộc mỏ Phong Lan Dại khoảng 2,5 hải lý về phía tây.

tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam.
Hình ảnh ghi lại sự việc năm 2014 khi tàu hải cảnh Trung Quốc gây hấn, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (ảnh báo Tuổi Trẻ).

Việc Trung Quốc quấy rối mỏ Lan Tây vào thời điểm này nhằm mục đích gì? Trả lời câu hỏi này trên đài Á Châu tự do, tác giả Ngô Kiến Huy đưa ra 3 lý do:

Thứ nhất, xuất phát từ những vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Sau Covid- 19, Trung Quốc liên tiếp có những hành động hung hăng với nhiều quốc gia, có thể là để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc khỏi các vấn đề trong nước và sự bất mãn ngày càng tăng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Có những đòi hỏi chưa từng có yêu cầu Tập Cận Bình từ chức do nhiều chính sách của ông ta, trong đó có cách xử lý sai dịch COVID-19 ở Vũ Hán. Mọi người đang mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và bắt đầu đặt câu hỏi về lời hứa của ông về “Giấc mộng Trung Hoa” khi Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia khá giả toàn diện vào năm 2021, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

“Phục hồi chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất do các hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc nước ngoài” là một cam kết của Tập Cận Bình trong “Giấc mộng Trung Hoa”. Tăng cường các hoạt động quân sự trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng dường như là ngọn cờ duy nhất khả dĩ mà ông Tập có thể giương lên để quy tụ niềm tin trong xã hội Trung Quốc.

Thứ hai, đây cũng là tín hiệu mà Trung Quốc muốn đưa ra với Hoa Kỳ và các quốc gia khác tại khu vực biển Đông. Hành động này của Trung Quốc như muốn thể hiện rằng, bất chấp sự cổ vũ của Hoa Kỳ, cũng như dựa vào Phán quyết 2016, Trung Quốc vẫn là bên có sức mạnh lớn nhất ở khu vực biển Đông. Và ASEAN cùng với Hoa Kỳ chớ có coi thường sức mạnh và quyết tâm của Trung Quốc đối với việc độc chiếm biển Đông.

Thứ ba, hành động này nhắm tới Việt Nam với nhiều hàm ý. Việt Nam vẫn đang là quốc gia tích cực nhất trong ASEAN để tìm cách lên án Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, Việt Nam đang là kẻ “cứng đầu nhất”. Vì vậy, Trung Quốc muốn “trị” Việt Nam trước hết, sau đó mới tới các quốc gia ASEAN khác. Ngoài ra, đây cũng là lời “nhắc nhở” khi Việt Nam giai đoạn này đang “mặn nồng” với Hoa Kỳ rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các quan hệ quốc phòng.

Theo Wikipedia, mỏ Lan Tây nằm tại lô 06.1 bể Nam Côn Sơn thuộc Biển Đông Việt Nam, cách Vũng Tàu 370 km về phía Đông Nam, được phát hiện năm 1993.

Một góc mỏ Lan Tây (ảnh: PVN).

Tập đoàn dầu khí Việt Nam xếp mỏ Lan Tây vào nhóm 1 trong 6 mỏ dầu khí lớn nhất nước. Mỏ này được điều hành bởi Công ty Dầu khí Rosneft; có sản lượng ngày khoảng 9,5 triệu m3 khí xuất về bờ.