Tên mới của Facebook phản ánh điều gì? Dưới đây là bản tin thế giới ngày 29/10:

Facebook đổi tên mới thành Meta

Trong một hội nghị trực tuyến hôm 28/10, Facebook thông báo rằng họ đã đổi tên công ty thành Meta. Việc sử dụng tên mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/12, theo CNBC.

Từ Meta xuất phát từ một thuật ngữ khoa học viễn tưởng gọi là metaverse (vũ trụ kĩ thuật số). Việc đổi tên phản ánh tầm nhìn của mạng xã hội này với lĩnh vực giải trí trong thế giới ảo.

Ngược lại, một số ý kiến cho rằng việc đổi tên là nhằm giúp Facebook xây dựng lại hình ảnh, sau một số bê bối gần đây, trong đó có một cựu nhân viên tiết lộ Facebook biết rõ tác hại của mạng này với người dùng trẻ tuổi.

ASEAN nâng cấp quan hệ với Trung Quốc

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hôm 28/10 đã nhất trí nâng cấp quan hệ với Trung Quốc thông qua thành lập một cơ chế mới.

Theo BenarNews, Brunei, chủ tịch ASEAN năm 2021 đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi nhất trí thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện [CSP] giữa ASEAN và Trung Quốc có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi”.

ASEAN không đưa ra chi tiết về mối quan hệ đối tác như vậy sẽ đòi hỏi những gì. Bản tuyên bố không hề đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Báo cáo: Người tiêm 2 mũi vẫn có thể truyền virus cho những người sống cùng

BBC đưa tin, các nhà khoa học ở Vương quốc Anh cảnh báo những người “double jabbed” mang Covid-19 và lây lan cho những người sống cùng họ.

Những người “double jabbed” là những người đã tiêm liều cuối cùng của vắc-xin Covid-19 mà Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) phê duyệt trong chương trình tiêm chủng của Vương quốc Anh ít nhất 14 ngày trước khi tiếp xúc với một trường hợp dương tính.

Nghĩa là những người đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể bị nhiễm như người chưa tiêm. Nếu họ không có triệu chứng hoặc ít triệu chứng, thì khả năng họ truyền virus tới những người chưa tiêm trong gia đình là 38%.

Nếu những người sống cùng đều tiên vắc xin đầy đủ, thì khả năng lây nhiễm là 25%.

Trung Quốc kêu gọi đối thoại ở Sudan

Trung Quốc đang kêu gọi các phe tham chiến ở Sudan đối thoại; đồng thời Bắc Kinh đang xem xét khả năng sơ tán công dân Trung Quốc nếu tình hình tại Sudan leo thang.

Trước đó, một vụ đảo chính đã xảy ra tại quốc gia Bắc Phi này vào ngày 25/10. Quân đội đã bắt giữ Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok và các nhà lãnh đạo dân sự khác.

Sự an toàn của các công dân Trung Quốc có thể là một vấn đề đáng lo ngại, theo SCMP. Một số công nhân Trung Quốc ở Sudan đã từng bị bắt cóc trong quá khứ. Ít nhất một người đã bị giết cách đây 9 năm.