Hai tàu dịch vụ dầu khí Việt Nam đã cứu 154 người Rohingya vượt biên sắp chìm trên biển, sau đó bàn giao cho Hải quân Myanmar.

154 người được cứu nhưng “có thể bị truy bức ở Myanmar”

Bài báo trên VTC cho biết, sự việc diễn ra hôm 7/12, tại khu vực biển Andaman Sea, ngoài khơi Myanmar. Khi đó, tàu Hai Duong 29 và Hai Duong 38 thuộc biên chế của HADUCO đang trên kéo giàn khoan dầu khí từ Singapore đến Myanmar thì gặp tàu lạ chở theo 154 người trong tình thế nguy hiểm: Tàu chết máy, nước tràn vào khoang.

“Chúng tôi có báo vấn đề an ninh với bên phía Việt Nam. Sau đó, hai tàu của HADUCO nhanh chóng tiếp cận, đưa hết 154 người lên tàu an toàn và khoảng một tiếng đồng hồ sau thì chiếc tàu kia chìm”.

“Vì lúc đó tàu đang thuộc vùng nước của Myanmar nên chúng tôi báo cáo cho chính quyền Myanmar. Bên Myanmar cũng hỗ trợ đưa tàu hải quân 771 của họ ra nhận người ngay trong ngày hôm sau, tức 8/12”.

“Chúng tôi đã nhấn nút cứu hộ cứu nạn. Về vấn đề an ninh thì sẽ do trung tâm SAR (search and rescue, tìm kiếm cứu nạn) tại vùng biển Myanmar hướng dẫn. Sau đó chúng tôi cung cấp thức ăn, nước uống cho những người này.”

“Tàu hành trình trên biển hạn chế, hầu như là không cho tàu khác cập mạn tàu. Nhưng trong trường hợp này thì mình hỗ trợ,” BBC dẫn lời người đại diện trả lời sự việc.

Theo VTC, những người được cứu có 83 đàn ông, 40 phụ nữ, 8 bé gái và 23 bé trai.

Việc cứu 154 người của 2 tàu Hai Duong được cho là ‘đáng ghi nhận’, song ở chiều hướng khác, một số nhà phân tích e ngại rằng, những người Rohingya được cứu sẽ gặp phải sự truy bức khốc liệt từ phía chính quyền Myanmar. Những người Rohingya là một nhóm thiểu số Hồi giáo bị chính quyền đàn áp sống ở bang Rakhine; họ phải tìm được vượt biên sang Malaysia hoặc Indonesia, vì chính quyền đảo chính ở Myanmar không coi họ là những công dân của quốc gia này.

Cảnh sát biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc gặp nhau ở Hà Nội

Cuộc gặp diễn ra ngày 7/12, theo báo Quân đội nhân dân đưa tin. Dẫn đầu hai đoàn là Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Thiếu tướng Uất Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc.

Trụ sở của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển nằm trên diện tích 4,9 ha tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, khánh thành năm 2017 (ảnh: canhsatbien.vn).

Báo trong nước loan tin rằng hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thông tin liên quan đến nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn và phối hợp xử lý ổn thỏa những vụ việc phát sinh trên biển.

Tỉnh Bình Phước không xây cầu Mã Đà

Tin từ Tuổi Trẻ, ngày 9/12, tỉnh Bình Phước thông qua nghị quyết không xây dựng cầu Mã Đà kết nối với Đồng Nai. Lý do được cho là tỉnh Đồng Nai “không thống nhất” chủ trương dự án xây cây cầu này.

Giá đất quanh khu vực dự kiến xây cầu Mã Đà tăng vọt từ khi người dân nghe các tin đồn về dự án (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).

Trước đó, các thông tin về việc xây cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai và Bình Phước đã khiến giá bất động sản ở nhiều khu vực trên địa bàn 2 tỉnh này tăng vọt. Trong khi đó, phía Đồng Nai e ngại việc xây cầu Mã Đà và mở rộng đường kết nối Bình Phước – Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Đường dây cá độ bóng đá nghìn tỷ bị phá

Đường dây cá độ bóng đá qua web bong88.com có quy mô lớn, hoạt động tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình… do Vũ Đình Thắng (36 tuổi, trú TP Hà Nội) cầm đầu vừa bị phá trong mùa World Cup.

Phía công an thông tin rằng, từ tháng 9/2020 đến nay, số tiền giao dịch để cá độ trong đường dây này lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.

Tại TP. HCM, một đường dây cá độ bóng đá ở phía Nam cũng bị phá. Đường dây cá độ bóng đá này do Trần Nguyễn Minh Thiện (tự Bảy, 28 tuổi, ngụ TP. HCM) cầm đầu.

Công an nói, số tiền giao dịch trong đường dây này lên đến 1.000 tỷ đồng.