Trung tuần tháng 4, Trung Quốc xác nhận đã đưa chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tập luyện và tuần tra ở Biển Đông, biển Hoa Đông.

J-20 – chiếm ưu thế dù nhiều tai tiếng

Giới quan sát nhận định, động thái điều chiến đấu cơ J-20 tham gia huấn luyện và tuần tra trên Biển Đông từ các căn cứ ở miền nam Trung Quốc là một diễn biến quan trọng. Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nói trên tờ Thanh Niên: J-20 là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình, nên về nguyên tắc thì chiếm ưu thế hơn các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 mà các nước quanh Biển Đông đang sử dụng dù đây là các lực lượng không quân tốt nhất ở Đông Nam Á.

Trong quá khứ, “hàng nội địa” J-20 này của Trung Quốc gặp nhiều bê bối từ khi công bố bản thiết kế đến lúc bay thử nghiệm. Mẫu máy bay tàng hình này bị phát hiện là “đạo nhái” thiết kế tiêm kích tàng hình siêu thanh F-35 của không lực Hoa Kỳ. Ngoài ra, tiếng là tự sản xuất nhưng toàn bộ 15 chiếc J-20  bay trên bầu trời Bắc Kinh hôm 1/7/2021 để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị phát hiện là dùng động cơ phản lực AL-31FN do Nga chế tạo. Sau đó, phía Trung Quốc tuyên bố đã nội địa hóa thành công động cơ của J-20 để có thể sánh ngang với đối thủ là dòng tiêm kích F-22 của Mỹ.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc (ảnh: baoquocte.vn).
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc (ảnh: baoquocte.vn).

Dù mang nhiều tai tiếng nhưng J-20 vẫn có khả năng gây ra khó khăn cho hệ thống phòng thủ của các quốc gia quanh Biển Đông. Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này với lớp phủ đặc biệt trên thân khiến hệ thống radar của đối phương khó phát hiện và đánh chặn hơn các dòng tiêm kích thế hệ 4. Ngoài ra, Bắc Kinh đang tham vọng sản xuất hàng loạt dòng tiêm kích này để phục vụ ý đồ bành trướng tại Biển Đông và xâm chiếm Đài Loan.

Việt Nam sẽ sớm mua tiêm kích tàng hình?

Tạp chí Global Flight đã công bố Báo cáo World Air Forces 2022 (Các lực lượng không quân thế giới 2022); trong đó chỉ ra khá cụ thể số lượng máy bay tiêm kích của các nước Đông Nam Á.

Cụ thể, các nước Đông Nam Á đang sở hữu số lượng tiêm kích hiện đại thế hệ 4 nhiều nhất là: Singapore đang sở hữu 100 chiếc; Không quân Indonesia: 62 chiếc; Không quân Thái Lan: 62 chiếc; Không quân Việt Nam đang có 46 chiếc; Myanmar: 38 chiếc; Malaysia: 26 chiếc. Như vậy, không lực Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực về số lượng tiêm kích.

Nhìn chung so với thế giới, số lượng tiêm kích của các quốc gia Đông Nam Á không phải là quá khiêm tốn; song trước mối đe doạ từ Trung Quốc, mà gần nhất là việc Bắc Kinh đem chiến đấu cơ J-20 xuống Biển Đông “dọa” láng giềng, Đông Nam Á cần phải mạnh mẽ hơn. Cụ thể là cần sở hữu những đối thủ xứng tầm, và tốt hơn nữa, là vượt trội so với J-20 của Trung Quốc.

Mạnh tay nhất trong việc trang bị tiêm kích tàng hình thế hệ 5 vẫn là Singapore. Năm 2019, quốc đảo này đã ký hợp đồng 3 tỷ USD với Hoa Kỳ để đặt mua 12 chiếc F-35B, là phiên bản đặc biệt, vốn dành riêng cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. Dự kiến, năm 2026, Singapore sẽ bắt đầu tiếp nhận lô tiêm kích đặc biệt, có chức năng vượt trội J-20 của Trung Quốc này.

 F-35B  - phiên bản dành cho Thủy quân lục chiến Mỹ, có giá cao hơn dòng F-35 thông thường.
F-35B – phiên bản dành cho Thủy quân lục chiến Mỹ, có giá cao hơn dòng F-35 thông thường.

Một quốc gia khác là Thái Lan cũng đã đồng ý mua tiêm kích F-35 của Mỹ. Tháng 1/2022, Chính phủ Thái Lan đã đồng ý về nguyên tắc ủng hộ không quân nước này mua 4 chiếc máy bay tiêm kích tàng hình F-35 đầu tiên trong phi đội mới với giá 13,8 tỷ baht. Số tiền để mua những chiếc F-35 đầu tiên sẽ nằm trong ngân sách định kỳ 4 năm kéo dài trong các năm tài chính từ 2023 tới 2026. Hiện không quân Thái Lan rất hào hứng với việc trang bị khí tài hạng nặng này; nhất là khi mỗi chiếc F-35 đang giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 82 triệu USD so với 147 triệu USD hồi mới ra mắt.

Không thể so với Singapore và Thái Lan về khả năng kinh tế; tuy nhiên Việt Nam lại là quốc gia nhiều nguy cơ nhất khi Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự ở Biển Đông. Vì vậy, việc “chịu chi” để mua sắm khí tài hiện đại là cấp thiết với Hà Nội. Tuy nhiên, có thể không phải là F-35, mà những tiêm kích tàng hình do Nga sản xuất mới là lựa chọn của Việt Nam.

Cụ thể, tháng 7/2021, xuất hiện thông tin cho rằng, Nga muốn nhắm đến thị trường Việt Nam cho dòng máy bay tiêm kích tàng hình “Checkmate” (Chiếu tướng).  Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov khi đó nói rằng, mẫu chiến đấu cơ này hướng tới những khách hàng tiềm năng như Ấn Độ, Việt Nam và các nước châu Phi.

Ở thời điểm đó, mức giá của tiêm kích Checkmate khoảng 30 triệu USD, nhưng dường như đây là chi phí cho riêng máy bay, chưa tính tới vũ khí và những dịch vụ hậu mãi đi kèm.

Tiêm kích Checkmate trong ngày ra mắt 20/7/2021 (ảnh chụp màn hình TTX VN).
Tiêm kích Checkmate trong ngày ra mắt 20/7/2021 (ảnh chụp màn hình TTX VN).

Khi được hỏi về Việt Nam có kế hoạch mua loại máy bay này không; Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã đưa câu trả lời mở rằng “việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để củng cố năng lực quốc phòng và phục vụ công tác huấn luyện của quân đội”.