Không cần đợi đến khi trẻ lớn, việc dạy con phòng chống xâm hại tình dục có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nằm nôi. Quan trọng là cha mẹ nhận thức được vai trò của mình và đồng hành đúng cách ở từng giai đoạn phát triển.

Không có giai đoạn vàng, chỉ có việc cần làm mỗi ngày

Chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Khôi, Cán bộ Quản lý trường hợp của tổ chức Hagar International tại Việt Nam, người có gần 20 năm hỗ trợ nạn nhân bạo lực và xâm hại, nhấn mạnh rằng giáo dục giới tính không phải là chuyện của riêng lứa tuổi vị thành niên, mà là quá trình giáo dục liên tục bắt đầu từ rất sớm.

“Không có một giai đoạn vàng nào cả. Đó là việc phải làm mỗi ngày, ở mọi độ tuổi”.

Trước khi trẻ đủ khả năng tiếp thu các kiến thức tự bảo vệ, người chăm sóc – thường là cha mẹ – cần chủ động thực hiện ba vai trò song song: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Điều đó đòi hỏi họ phải trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng mực, đồng thời thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ.

Giai đoạn sơ sinh: Thiết lập ranh giới từ điều nhỏ nhất

Với trẻ sơ sinh đến dưới hai tuổi, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên tạo thói quen xác định rõ ai có thể ôm trẻ, nắm tay trẻ, cũng như cách tiếp xúc vùng nhạy cảm phải được thực hiện riêng tư, không để người ngoài chứng kiến – kể cả người thân.

“Thực tế, chúng ta không thể biết chắc người khác nghĩ gì; khi nhìn thấy con mình trong những tình huống nhạy cảm như vậy”; chuyên gia nhấn mạnh.

Những hành động tưởng chừng nhỏ này sẽ giúp trẻ dần hiểu về giới hạn cơ thể; và tạo nền tảng cho việc phòng vệ cá nhân sau này.

Trẻ mầm non: Quy tắc 5 ngón tay và bài học về vùng kín

Khi bước vào tuổi mầm non, trẻ bắt đầu biết phân biệt mức độ gần gũi với từng người. Lúc này, cha mẹ có thể dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay, giúp xác định ai là người có thể thân mật (như cha mẹ, anh chị), ai chỉ nên giữ khoảng cách (như thầy cô, người lạ).

Đồng thời, trẻ cần hiểu rõ rằng có những vùng riêng tư không ai được phép nhìn hoặc chạm vào, trừ người chăm sóc trong trường hợp cần thiết như vệ sinh hoặc khám bệnh, và phải được giải thích rõ ràng, nhẹ nhàng.

Tuổi tiền dậy thì: Hướng dẫn con đối thoại và phòng vệ

Giai đoạn 10-12 tuổi là thời điểm cơ thể trẻ có nhiều biến đổi, tâm lý nhạy cảm. Đây cũng là lúc dạy trẻ kỹ năng phòng vệ cá nhân; củng cố kiến thức giới tính là vô cùng cần thiết.

“Người chăm sóc cần hiểu rõ đặc điểm phát triển tâm lý của từng trẻ để lựa chọn cách giao tiếp phù hợp. Việc trò chuyện không nên gượng ép khi trẻ chưa sẵn sàng; nhưng cũng không thể né tránh chỉ vì người lớn cảm thấy ngại ngùng.”

Phụ huynh nên:

  • Tạo không gian thoải mái để trẻ dễ mở lòng.
  • Bắt đầu từ câu chuyện thường ngày rồi mới dẫn dắt sang nội dung nhạy cảm.
  • Dùng từ ngữ đơn giản, phù hợp độ tuổi.
  • Tôn trọng cảm xúc và không ép buộc trẻ khi trẻ chưa sẵn sàng.

Việc sử dụng sách, video; hình ảnh giáo dục phù hợp lứa tuổi cũng là một công cụ hữu ích trong việc giải thích; và giúp trẻ tiếp thu dễ dàng.

Trẻ cần kỹ năng và một người đồng hành tin cậy

Theo chuyên gia, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần trở thành người bạn đồng hành tin cậy của trẻ. Trẻ sẽ không thể tránh mọi tình huống nguy hiểm, nhưng nếu được dạy cách nhận biết dấu hiệu xâm hại và hành động đúng, chúng sẽ biết cách tự bảo vệ mình.

“Trẻ không chỉ cần kiến thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân; mà còn cần một người đồng hành thật sự tin cậy. Chúng ta không thể ở bên trẻ 24/7; nhưng có thể dạy trẻ cách nhận biết và phản ứng khi gặp tình huống nguy hiểm”, bà nói.

Theo: VnExpress