Thời gian gần đây, quan hệ ngày càng xấu đi giữa Australia và Trung Quốc thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Bắc Kinh đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt về thương mai với Úc và gần đây nhất là bôi nhọ quân nhân Úc khiến Thủ tướng Úc yêu cầu Bắc Kinh xin lỗi nhưng yêu cầu này không những bị từ chối mà còn bị phản ứng lại gay gắt hơn. Giới quan sát đặt câu hỏi rằng Trung Quốc muốn doạ ai khi chèn ép Úc như vậy.

Bắc Kinh ra đòn công kích Úc về kinh tế

Bằng việc áp đặt những hạn chế lên nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia như lúa mạch, than, đồng, gỗ và rượu vang, trị giá hàng tỷ USD, Trung Quốc đã bày tỏ phản ứng rõ rệt với Úc. Những hạn chế này được đưa ra sau khi Úc đề xuất cần có cuộc điều tra độc lập quốc tế để tìm ra nguồn gốc đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Theo SCMP, vào tháng trước Trung Quốc công bố hồ sơ 14 điểm được ghi rõ là “đầu độc mối quan hệ song phương” của 2 quốc gia này. 2 trong số 14 điểm đó là lời kêu gọi của Australia về điều tra đại dịch Covid-19 và tuyên bố của Canberra về vấn đề Hong Kong và Tân Cương.

Úc có nền kinh tế cũng gắn chặt với Trung Quốc. 40% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Australia được đưa đến Trung Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước này trong giai đoạn 2019-2020 ước tính là 177 tỷ USD.

Thủ tướng Scott Morrison  và
Thủ tướng Úc Scott Morrison (ảnh chụp màn hình SBS News).

Rồi lại thêm 1 đòn nữa về chính trị

Tuần trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên đăng bức ảnh chế sai sự thật, trong đó miêu tả cảnh binh sĩ Australia cứa cổ một trẻ em Afghanistan. Hành động của ông Triệu gây ra sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Theo Guardian, một công ty an ninh mạng của Israel có tên Cyabra đã đưa ra dấu hiệu cho thấy một âm mưu đứng sau vụ bức ảnh về lính Australia cắt cổ thường dân Afghanistan này.

Họ đã xác định 57% số tài khoản Twitter tương tác với bài đăng của ông Triệu là tài khoản giả mạo. Thêm nữa, đa phần 1.344 tài khoản được lập vào tháng 11 và chỉ được sử dụng đúng một lần duy nhất là dẫn lại bài đăng của ông Triệu.

Công ty Cyabra khẳng định đây là “bằng chứng cho thấy một chiến dịch bóp méo thông tin quy mô lớn được dàn dựng” nhằm khuyếch đại thông tin sai sự thật.

Bức ảnh giả mạo nhằm bôi nhọ Úc của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng trên Twitter. ABC đã làm mờ mặt, cổ đứa trẻ và con dao.
Bức ảnh giả mạo nhằm bôi nhọ Úc của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng trên Twitter. ABC đã làm mờ mặt, cổ đứa trẻ và con dao.

Trung Quốc chèn ép Úc để doạ ai?

Theo SCMP, giới quan sát coi những hành động của Bắc Kinh thời gian qua là tín hiệu gửi tới các nước phương Tây, trong đó có Canada và EU. Trung Quốc muốn cảnh báo hậu quả sẽ xảy ra nếu đối đầu với Bắc Kinh.

Ông Bilahari Kausikan, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc nhận định rằng Bắc Kinh hy vọng có thể bẻ gãy ý chí chính trị của Úc. Qua đó gieo lên nghi ngờ trong nội bộ các nước bạn bè và đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Ông Kausikan nói: “Nếu Australia gục ngã trước sức ép của Trung Quốc, các nước khác sẽ phải cân nhắc vị trí của họ”.

Tuy nhiên, ông Kausikan cũng cho biết những hành vi chèn ép kinh tế của Bắc Kinh chưa từng thành công trong việc buộc một nước phát triển thay đổi chính sách. Ông nói thêm rằng “Vì vậy hãy cứ bình tĩnh và kiên định với nguyên tắc và lợi ích cốt lõi của quốc gia. Rõ ràng không nên chọc giận Trung Quốc để xem chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có lằn ranh đỏ và cần kiên quyết với giới hạn đó”.