Trung Quốc xây đập thủy điện ‘thay đổi vận mệnh’ nước láng giềng
China Daily loan tin, giới chức và chuyên gia Trung Quốc vừa giúp Pakistan xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất trong lịch sử quốc gia Nam Á này.
Phía quan chức Pakistan được báo giới Trung Quốc đưa tin là kỳ vọng nhiều vào con đập. “Đập Diamer Bhasha sẽ làm thay đổi vận mệnh của Pakistan bằng việc giải quyết các vấn đề về năng lượng cũng như thủy lợi. Đó là nguồn sống của Pakistan”, Faisal Vawda, Bộ trưởng Tài nguyên nước Pakistan nói.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho rằng “con đập sẽ mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường” cho đất nước ông.
Con đập sẽ có hồ chứa cao 272m. Khi hoàn tất vào năm 2028, con đập này dự kiến sẽ trở thành đập bê tông đầm lăn cao nhất thế giới và đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực Gilgit-Baltistan. Người phụ trách khối hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, cho biết con đập sẽ tạo ra khoảng 4.500MW điện.
Kinh phí xây dựng đập này khoảng 2,7 tỷ USD. Đập được xây dựng bởi liên doanh giữa Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc và Tổ chức Công trình mặt trận thuộc quân đội Pakistan. Tỷ lệ góp vốn tương ứng là 7:3.
James M. Dorsey, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói trên Nikkei Asia Review rằng, dự án phục vụ lợi ích của Trung Quốc nhiều hơn Pakistan.
Việc Trung Quốc sang láng giềng xây đập thủy điện xảy ra trong bối cảnh lũ lụt trầm trọng trong nước, dẫn đến báo động đỏ với các hồ đập thủy điện, đặc biệt là đập Tam Hiệp. Tuần trước, hãng Reuters dẫn lời một nhà địa lý học cho biết “hồ chứa đập Tam Hiệp không có khả năng giảm thiểu đáng kể nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng”.