Sau khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn vào chiều 6/11, và “đề nghị đại biểu nghe lại phát biểu của mình hôm qua để thấu hiểu nhau hơn”, trung tá Ksor H’Bơ Khắp đã nhấn nút tranh luận.

Báo Thanh Niên dẫn lời trung tá Ksor H’Bơ Khắp nói: “Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, nhưng Bộ trưởng có nghe mà không hiểu tôi hỏi gì?”

Theo bà H’Bơ Khắp, câu hỏi của đại biểu chưa được Bộ trưởng trả lời.

Thứ nhất, trung tá Ksor H’Bơ Khắp hỏi Bộ trưởng có ủng hộ việc tiếp tục phát triển thuỷ điện nhỏ hay không. “Câu hỏi có hoặc không. Không có nhưng”, bà H’Bơ Khắp nhấn mạnh.

Thứ hai, trung tá Ksor H’Bơ Khắp hỏi Bộ trưởng là “ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì đối với việc bảo vệ môi trường hiện nay” vì không tự nhiên mà trời mưa và không tự nhiên mà địa chất đứt gãy gây ra lũ lụt ở miền Trung, nhưng Bộ trưởng Hà chưa trả lời.

“Bộ trưởng có nói trong nghị trường này là dân ở đó sống cả trăm năm nay và họ có trồng rừng cây sản xuất. Thì đấy chính là lý do của vụ sạt lở, tức là cây rừng tự nhiên đã mất đi rất lâu rồi, gây ra địa chấn về môi trường. Trách nhiệm của Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các công trình này rõ ràng là có sự sai sót, nên mới gây ra hậu quả ngày hôm nay”, nữ đại biểu nêu quan điểm.

Một vế khác trong câu hỏi của trung tá Ksor H’Bơ Khắp là: “Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy trách nhiệm như thế nào về thực trạng môi trường hiện nay của Việt Nam”, Bộ trưởng cũng chưa trả lời rõ ràng, theo đại biểu, mà “Bộ trưởng chỉ tập trung vào rừng, có lẽ bởi mọi người ở đây nhìn thấy tên tôi thì nghĩ tới rừng rồi, nhưng thực ra thì không phải như thế, dù rằng là có như thế…”.

Câu cuối cùng trung tá Ksor H’Bơ Khắp chưa diễn đạt hết ý thì hết thời gian tranh luận.

Đại biểu H’Bơ Khắp
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo VietNamNet.

Trong buổi chiều 6/11, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà chưa có cơ hội phản hồi ý kiến này của bà H’Bơ Khắp.

Pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng dùng để nướng bò một nắng?

Trước đó, báo VietNamNet đưa tin, tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH sáng 5/11, đề cập đến tấm pin quang điện, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong phiên họp từ ngày 7/2/2020, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

Theo ông, còn 9 quy tắc của luật định thì hiện nay tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện. Trên thực tế, chỉ có 3% một số khoáng chất có thể liên quan đến môi trường thì các nhà cung cấp cho các tấm pin quang điện đều có những hợp đồng với các chủ đầu tư các dự án pin mặt trời, các dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý các vi mạch điện.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Công Thương, trung tá Ksor H’Bơ Khắp đánh giá phần giải trình của Bộ trưởng Công Thương là chưa làm đúng trách nhiệm của mình.

“Bộ trưởng không thể đổ thừa cho địa phương, cũng không thể nói là có quy định của luật về việc xử lý rồi chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời”, bà Ksor H’Bơ Khắp nói.

Theo bà, cái nhân dân đang cần đó là người đứng đầu ngành có phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời.

Nữ trung tá cho biết, hiện nay địa phương rất hoang mang với những vấn đề này.

“Ngay cả bản thân tôi, thị xã Ayun Pa của tôi là lòng chảo, phải nói là nắng cực, mỗi một lần lên ti vi là thời tiết Ayun Pa 10h đêm vẫn 37 độ, bây giờ điện năng lượng là tràn lan.

Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao. Bởi vì lòng chảo chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng”, bà đặt câu hỏi.