Chánh văn phòng của tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak đã từng gọi các chính trị gia phương Tây, những người hết lần này đến lần khác kêu gọi Kyiv hòa đàm với Moscow là “Những kẻ ngốc hữu ích ở phương Tây”. 

Trong khi ấy, Tổng thống Zelensky dường như khéo léo mềm mỏng hơn, bởi vì trong số những “kẻ ngốc hữu ích” là những tên tuổi đình đám như tỷ phú Elon Musk, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và gần đây là cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, khi ông này tiếp tục kêu gọi Ukraine hòa bình vì lợi ích của nhân loại – nghĩa là ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới. 

Theo Thủ tướng Đức, thời điểm đàm phán giữa Ukraine và Nga nhẽ ra “đã đến từ lâu” và như Thủ tướng Scholf nói: “Điều quan trọng là, bất chấp những khác biệt lớn về lập trường [của chúng tôi], chúng tôi không thể để sợi dây đàm phán với Nga bị phá vỡ…Nếu chúng tôi không đối thoại, Nga sẽ càng ít có khả năng chấm dứt chiến tranh”. Trước đó Tổng thống Pháp Macron không chỉ nói về một thỏa thuận hòa bình mà thậm chí còn nhấn mạnh rằng, cần phải có một “sự đảm bảo” an ninh cần thiết cho người Nga để các cuộc đàm phán thành công. 

Logic của các chính trị gia Macron, Scholz, Kissinger và các đại diện khác của phương Tây là hiển nhiên. Họ hiểu rõ những thiệt hại mà cuộc xung đột chống lại Nga gây ra sự bất ổn cho an ninh và đặc biệt là cho nền kinh tế EU. 

Tại các quốc gia EU giàu có như Đức, Pháp và Ý, tình hình kinh tế xã hội trở nên tồi tệ hơn, quá trình phi công nghiệp hóa đã bắt đầu và kho vũ khí quân sự đang cạn kiệt. Các nhà lãnh đạo Tây Âu không thể giải quyết tất cả những vấn đề này nếu không bình thường hóa quan hệ với Nga, và sẽ không có bình thường hóa nếu không giải quyết xung đột Ukraine.

Với EU, mỗi tuần trôi qua là tình hình lại dao động theo hướng có lợi cho Nga khi trên chiến trường, binh sĩ Ukraine đã kiệt quệ và kế hoạch phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine đang được thực hiện với tốc độ chóng mặt.

Theo đó, thời gian càng trôi qua thì năng lực quân sự và tâm lý của quân đội Ukraine sẽ ngày càng giảm đi. Kết quả là, các cường quốc EU nhận ra rằng sẽ không thể đánh bại Nga, và điều đó có nghĩa là đã đến lúc phải đàm phán. 

Tuy nhiên chính quyền Joe Biden lại không nghĩ thế và hiện đang cố gắng cung cấp cho Ukraine “vị trí tốt nhất có thể” bằng cách tiếp tục bơm vũ khí cho chính quyền Kyiv. Vì sao?

Xung đột càng kéo dài càng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Điều đáng chú ý là nếu chiến lược của Nga là “nghiền nát” quân đội Ukraine, thì chiến lược của Mỹ là nhằm làm “suy yếu” quân đội Nga. Theo tính toán của chính quyền Biden, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine là một quân bài chiến thắng, và chừng nào họ còn là giới tinh hoa cầm quyền của đất nước, thì Mỹ sẽ tiếp tục duy trì cuộc xung đột mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Washington. 

Chính quyền Biden không sẵn sàng chấp nhận chiến thắng của Nga ở Ukraine, cũng như không chấp nhận một sự đảm bảo an ninh do Moscow đề xuất vào tháng 12/2021 và gợi ý mới đây của Tổng thống Pháp Macron. Đồng thời, Washington hiểu rằng, Moscow sẽ không từ bỏ và chấp nhận các điều kiện hòa bình do phương Tây đưa ra, bao gồm cả việc quay trở lại mốc biên giới vào ngày 24/2 và tình trạng tranh chấp của Crimea.

Bởi đơn giản chính quyền Biden đang cố gắng tận dụng tối đa cuộc xung đột đang diễn ra để thu lợi. 

Chính quyền Biden vừa bán được khí hóa lỏng LNG với giá cao cho châu Âu, vừa lôi kéo được các công ty châu Âu vốn không chịu được giá năng lượng cao phải chuyển sang Mỹ đầu tư. Một mũi tên trúng nhiều đích, Mỹ vừa làm kiệt quệ nền kinh tế châu Âu cũng như làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Nga và EU, vừa làm suy yếu Nga. Nói cách khác, Mỹ tìm mọi cách để kiếm tiền từ cuộc xung đột với chi phí của người châu Âu và Ukraine, mà các thương vụ vũ khí là một ví dụ của sự thành công.  

Hàng chục tỷ đô la từ các thương vụ béo bở này đã làm giàu cho một bộ phận tinh hoa tại Mỹ và Ukraine, nhưng người dân nước này và binh sĩ hai bên đã phải trả giá bằng máu thịt.