Vì sao Trung Quốc hung hăng hơn trong đại dịch?
Trong bối cảnh các quốc gia tập trung đầy lùi dịch Viêm phổi Vũ Hán bùng phát toàn cầu thì Trung Quốc đi ngược xu thế khi liên tiếp gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới với Ấn Độ, Biển Đông, eo biển Đài Loan, đối đầu Hoa Kỳ và tranh cãi không có hồi kết với phương Tây.
- Cập nhật sáng 29/5: Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa, ‘nắn gân’ Trung Quốc
- Trung Quốc thông qua dự luật an ninh Hong Kong
- Dự luật trừng phạt Trung Quốc đang chờ Tổng thống Trump ký
Đầu tháng 5, tại khu vực Đường kiểm soát thực tế chung giữa hai nước, bộ binh Ấn Độ và Trung Quốc đã ẩu đả bằng gậy gộc, đất đá, cùng những cú đấm.
Sau va chạm, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trở nên gay gắt hơn khi 2 nước điều thêm khí tài quân sự và binh lính tới khu vực tranh chấp. Vòng đàm phán ngày 22/5 – 23/5 giữa nhà ngoại giao 2 nước đã không mang lại kết quả.
Không chỉ gây hấn với Ấn Độ dọc biên giới, ở Biển Đông, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm các tàu cá Việt Nam, cử tàu quấy rối hoạt động khảo sát của tàu Malaysia.
Chưa dừng lại, Trung Quốc tung video chiếm Đài Loan trong một ngày, hải quân Trung Quốc ráo riết chuẩn bị tập trận chiếm đảo gần Đài Loan và sắp tới sẽ là cuộc tập trận tương tự ở Biển Đông.
Sự kiện mới đây nhất, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh việc thông qua dự luật an ninh mới đối với Hồng Kông, bất chấp việc người dân đăc khu tuần hành phản đối, châu Âu lên án, Mỹ và Đài Loan chỉ trích và đe dọa cắt ưu đãi đặc biệt đang dành cho thành phố này.
Các chuyên gia nhận định Trung Quốc dường như đang muốn gồng cơ bắp và leo thang căng thẳng tại tất cả các khu vực đang tranh chấp vào thời điểm dịch bệnh lây lan bởi một số nguyên nhân.
Một báo cáo mới đây của Ủy ban kinh tế và an ninh Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc đang lợi dụng thời điểm thế giới mất cảnh giác và tập trung đối phó với Covid-19 để gia tăng ảnh hưởng.
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts của Hoa Kỳ Taylor Fravel nhận định rằng Trung Quốc có thể đang cảm thấy lo lắng về việc nhiều nước nghĩ Bắc Kinh đã suy yếu trong dịch bệnh, nên đẩy mạnh những hành động củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình.
Trong bối cảnh nCoV bùng phát toàn cầu, Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn để tập trung đẩy lùi dịch bệnh thì Trung Quốc, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi virus lại không nghĩ vậy, liên tục gây hấn Ấn Độ, đe dọa Đài Loan, đối đầu Mỹ, tập trận biển Đông, gia tăng căng thẳng với Châu Âu nhằm chứng tỏ sức mạnh quân sự.
Một số chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh gây hấn với nhiều quốc gia khu vực nhằm chuyển hướng quan tâm của đến hành động quân sự mà quên đi thái độ ứng phó với đại dịch mà nước này đã làm khiến cả thế giới lên án và gần 200 quốc gia đồng thuận điều tra về nCoV trong đó bao gồm quyết sách của WHO và Trung Quốc.
Cố vấn Cấp cao về châu Á – Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bà Bonnie Glaser nhận định việc Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn gần đây có nguyên nhân xuất phát từ căng thẳng với Mỹ.
Trong nhiều năm, việc giữ gìn mối quan hệ ổn định với Mỹ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Vai trò cảnh sát quốc tế của Hoa Kỳ và quan điểm nhất quán về tự do nhân quyền của Nhà Trắng góp phần hạn chế các hành động hung hăng của Bắc Kinh.
Khi Trung Quốc nhận ra rằng dưới thời Tổng thống Trump, Bắc Kinh không thể có lợi ích thương mại khổng lồ như các thời Tổng thống trước đây nên đã từ bỏ hy vọng giữ mối quan hệ ổn định lâu dài với Tòa Bạch Ốc, nên đã buông lung hành động quân sự của mình.
Cho dù vì nguyên nhân gì, hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, biên giới với Ấn Độ và vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cho thấy Bắc Kinh ngày càng bộ lộ rõ ý định bành trướng thế lực, là mối lo ngại của quốc gia lân cận, khu vực biển đông và toàn thế thới.