Việt Nam xuất khẩu khoảng 5.000 tấn thịt heo trong năm 2021, nhưng phải nhập khẩu heo sống và thịt heo đông lạnh ước tính hơn 178.000 tấn.

Như vậy, số thịt heo nhập khẩu cao hơn 35 lần so với số lượng xuất khẩu. Dự đoán, năm 2022 với tình trạng thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng thẳng đứng, khiến hàng loạt chủ trang trại phải phá đàn; số lượng thịt heo trong nước sẽ giảm xuống. Kéo theo đó, số lượng thịt heo xuất khẩu năm nay có nguy cơ giảm hơn năm trước; đồng thời, Việt Nam có thể phải tăng nhập khẩu thịt heo sống và thịt heo đông lạnh.

Lý giải về việc nhập khẩu heo tăng mạnh, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong 5 năm qua, tổng đàn heo của cả nước giảm mạnh. Năm 2016, tổng đàn heo trong nước ở mức cao nhất 29,1 triệu con, năm 2017 giảm về 27,4 triệu con, năm 2018 tăng không đáng kể, nhưng sang năm 2019 lại bị giảm sâu kỷ lục xuống 19,6 triệu con do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (ASF). Năm 2020 phục hồi nhẹ lên 22 triệu con và năm 2021 là 28 triệu con.

Heo nuôi giảm dẫn đến nguồn cung thịt giảm mạnh, khiến Việt Nam tăng nhập khẩu từ hơn 2 năm qua. Năm 2020, cả nước nhập 447.600 con heo sống để giết thịt, tương đương 44.800 tấn thịt. Năm 2021, nhập 346.000 con heo sống (tương đương 34.600 tấn) và nhập khẩu 143.463 tấn thịt heo. Tổng lượng thịt heo nhập khẩu khoảng 178.063 tấn, chủ yếu từ các nước Nga, Braxin, Mỹ, Đức, Ba Lan.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt heo không khả quan. Tính riêng năm 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 5.000 tấn heo sữa và heo choai sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Malaysia…