Thông cáo từ Bộ Ngoại giao với báo giới trong nước cho thấy, Việt Nam sẽ có những tuyên bố và hành động mạnh mẽ tiếp theo nếu Trung Quốc lấn tới.

Từ Hà Nội, tối 14/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi thông cáo trả lời các câu hỏi của báo giới về thông tin một nhóm tàu của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông.

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”, thông cáo nêu.

Một số nhà quan sát về Biển Đông nhận định, phản ứng của Việt Nam lúc này là cần thiết để khai thông công luận, mở đầu cho những bước đi tiếp theo.

Tàu Hải Dương địa chất 8 (ảnh chụp năm 2018, nguồn: Schottel)

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn dữ liệu quan sát Marine Traffic khẳng định tàu Hải Dương địa chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc đã quay lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ).

Trong quá khứ, tàu Hải Dương địa chất 8 nhiều lần xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trong năm 2019, hoạt động xâm phạm của Hải Dương 8 diễn ra từ đầu tháng 7 và đến cuối tháng 10 mới rút đi.

Việc nhóm tàu Trung Quốc quay lại quấy rối vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam được giới quan sát nhận định là thể hiện bước đi dồn dập muốn nuốt trọn Biển Đông của Đảng cộng sản Trung Quốc. Nó thể hiện tham vọng của chính quyền Trung Quốc lợi dụng lúc thế giới đang tập trung dập dịch viêm phổi Vũ Hán để bành trướng hải phận, hiện thực hóa tham vọng bá quyền.