Câu chuyện được một người dân quê ở miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp gửi đến báo VnExpress cũng là nỗi lòng của nhiều người dân trong mùa dịch Covid-19 này.

“Tôi sinh ra ở miền Trung nắng gió khắc nghiệt. Cách đây ba năm, sau một cơn bão, tôi bị mất nhà, ruộng vườn cũng mất trắng, hai vợ chồng quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, mong tìm được một cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi xin vào làm công nhân, mang theo hai đứa con, cả nhà thuê phòng trọ và tranh thủ tăng ca, làm thêm. Về cơ bản, cuộc sống của chúng tôi tại đây cũng đỡ vất vả hơn ở quê. Hai vợ chồng cũng cố gắng tiết kiệm để gửi về cho ba mẹ ở nhà một khoản nhỏ để thuốc thang tuổi già.

Thế nhưng, cuộc sống mới bình yên chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bất ngờ ập đến. Công ty của tôi có người bị nhiễm bệnh, phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc vợ chồng tôi cũng mất việc từ đó. Nhẩm tính lại hết toàn bộ số tiền tiết kiệm bấy lâu, chúng tôi chỉ gom được gần chín triệu để chi tiêu cho các khoản: tiền phòng trọ, ăn uống, chi phí sinh hoạt cho bốn con người trong thời gian nghỉ dịch, không có việc làm.

Tôi đang tính chuyện cả nhà khăn gói về quê khi tiền cạn dần thì bất ngờ hay tin tỉnh nhà cũng đã dừng hoạt động xe khách, đồng thời thực hiện cách ly 21 ngày với tất cả người dân trở về từ thành phố. Kế hoạch hồi hương tan thành mây khói, tôi và vợ đành chấp nhận bám trụ lại Sài Gòn, tìm mọi việc có thể để xin làm kiếm chút tiền sống. Nhưng chúng tôi cũng phải bất lực khi không xin được việc gì giữa thời dịch.

Cuối cùng, chúng tôi quyết định lấy rau củ về bán trước hẻm để mong có đồng ra đồng vào, thêm chút thu nhập để sinh nhai. Thế rồi, khi mới bán được một tuần thì thành phố ra lệnh cấm, chúng tôi lại một lần nữa rơi vào cảnh không có việc làm, không có tiền để sống.

Mỗi ngày, cả nhà tôi phải thức dậy muộn, lúc 9h, để tiết kiệm một bữa ăn sáng. Vợ tôi cầm 70 ngàn đồng đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà, nhưng cũng trở về với khuôn mặt buồn rười rượi. Vợ nói ‘người ta dẹp hết hàng quán vỉa hè, nên giờ phải vào siêu thị mới có đồ ăn, nhưng trong đấy cái gì cũng đắt, giá cao hơn bên ngoài, đến mua bó rau cũng phải suy nghĩ, đắn đo mãi, và rồi cũng chẳng dám mua. Thôi thì đành cố mua 30 ngàn thịt heo kho mặn cho hai đứa nhỏ, còn vợ chồng thì đậu phộng rang, rau luộc cầm hơi vậy’.

Tôi và vợ nhìn chỉ biết im lặng nhìn nhau. Tôi thấy sự lo lắng hiện lên trong mắt vợ. Không lo sao được khi rồi tiếp theo đây, gia đình tôi sẽ sống ra sao, khi mọi thứ cứ ngày một trở nên khó khăn trong lúc này? Thành phố có lẽ sẽ còn kéo dài giãn cách. Còn với những người thất nghiệp như chúng tôi, mỗi ngày giãn cách sẽ là thêm một ngày phải rút đi số tiền ít ỏi cuối cùng còn lại. Những ngày này, lặng nhìn thời gian trôi, tôi cũng chỉ biết động viên vợ: ‘Còn khỏe nghĩa là đã may mắn hơn rất nhiều người rồi, em ạ'”.

Nhân viên lấy mẫu Covid-19.
Ảnh chụp màn hình trên báo VTC News.

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, thành phố dự kiến vẫn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội của Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6. Chỉ thị 10 không có thời gian kết thúc nên thành phố vẫn áp dụng để siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.

Ngày 30/6, trải qua một tháng giãn cách xã hội và bùng phát ổ dịch Covid-19 lớn, phức tạp nhất từ trước đến nay, hiện số ca mắc tại TP. HCM vượt mốc 3.000 và trở thành địa phương có bệnh nhân Covid-19 cao thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.