Không ít người thuộc “phe lạc quan” về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông bấy nay vẫn tìm đến một điểm tựa quen thuộc, đó là dòng báo cáo chắc nịch “Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 99%”.

Theo phép trừ đơn giản nhất, thì phần dang dở của dự án này chỉ còn lại 1%.

Tuy nhiên, sau câu chuyện Tổng thầu Trung Quốc đòi thành toán gấp 50 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng), thì giờ sự tình mới lộ rõ: cái 1% dang dở ấy cao như núi.

Chưa bàn đến khoản tiền trên, hãy nói về vướng mắc phần thủ tục, những tồn tại kiến trúc nằm trong cái đống “1% dang dở” này. Cụ thể, trong cuộc giao bao báo chí của Hà Nội sáng nay 2/6, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội giãi bày: “Cái khó nhất hiện nay là Tổng thầu Trung Quốc chưa bàn giao hồ sơ, thứ 2 là phải có hồ sơ thì mới có thể nghiệm thu cấp cơ sở và phải có nghiệm thu cấp cơ sở thì mới nghiệm thu cấp nhà nước. Hiện về đường sắt thì cảm giác đã xong, tàu đã chạy thử, anh em đã tập dượt nhiều lần… nhưng thiếu 3 điều kiện trên thì không thể vận hành được” (1).

Rắc rối thứ hai trong 1% còn lại, là tiền, điều Tổng thầu Trung Quốc muốn có ngay hiện tại. Phía Trung Quốc nhất quyết yêu cầu bố trí 50 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng để họ thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Không khó để thấy rằng, Tổng thầu Trung Quốc đang lấy số tiền này ra làm điều kiện tiên quyết trong việc đàm phán “làm tiếp hay nghỉ”. Với câu trả lời “không” mà Bộ Giao thông vừa đưa ra, sẽ chẳng thể hy vọng gì vào sự hợp tác mềm mại và êm thuận của Tổng thầu Trung Quốc lúc này. Điều đó có thể dẫn đến viễn cảnh những toa tàu đã mang về sẽ tiếp tục nằm phủ bụi.

Một công trình ngay giữa thủ đô, được người dân cả nước chờ đợi, đã nhấp nhô uốn lượng trên đường Hà Nội bao năm, nhưng ngày hoàn thành thì xa vời như cổ tích. Nó gợi đến nhiều câu hỏi vừa bẽ bàng và chua xót trong lòng những người dân bình thường nhất!

Sư thực này cũng khiến báo giới đặt ra những chất vấn nghiêm túc, như tác giả Linh Anh viết trên báo Lao Động: “Một dự án tưởng chừng chỉ còn 1%, ấy thế nhưng cho đến thời điểm này còn cả một núi vấn đề, từ nhu cầu vốn, trang thiết bị, tồn tại về kiến trúc…

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này, cụ thể là việc bố trí 50 triệu USD này? Hay chỉ lại là “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”! (2)

(1). Trích bài viết “Hà Nội nêu 3 lý do đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể vận hành” đăng trên báo Người Lao Động ngày 2/6/2020.
(2). Trích bài viết “Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: 1% và 1.100 tỉ của Tổng thầu Trung Quốc” đăng trên báo Lao Động ngày 1/6/2020.