Tính cả cặp Diệu Nhi – Trúc Nhi, từ năm 1988 đến nay Việt Nam đã phẫu thuật mổ tách thành công 11 cặp song sinh.

Ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền đầu tiên của Việt Nam thực hiện ngày 4/10/1988. Trưởng ca mổ là giáo sư, bác sĩ Trần Đông A cùng 62 y, bác sĩ đầu ngành tại Việt Nam và Nhật Bản. Từ đó đến nay Việt Nam đã thực hiện 11 ca tách rời cặp song sinh dính liền.

1. Nguyễn Việt – Nguyễn Đức

Cặp song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh năm 1981 tại Kon Tum, 2 người dính liền phần bụng, chung hậu môn và bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân phụ.

Khi 6 tuổi, Việt là người anh, bị hội chứng não cấp, hôn mê, có thể đột tử. Cặp đôi được đưa qua Nhật Bản chữa trị trong 3 tháng nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm. Nếu Việt qua đời thì Đức có nguy cơ suy yếu và chết theo.

cặp song sinh đầu tiên
Việt – Đức dính liền nhau cho tới khi 6 tuổi – ảnh trên Sức khỏe đời sống.

Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM quyết định phẫu thuật tách rời hai anh em, cứu Đức và tìm cơ hội sống cho Việt. Cuộc đại phẫu thành công sau 15 giờ căng thẳng, tạo nên tiếng vang của ngành y học Việt Nam với thế giới, được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới.

2. Thu Cúc – Thúy An

Thu Cúc – Thúy An, quê Thanh Hóa dính nhau phần bụng, ức, ngực, gan, khoang màng tim, tá tràng, ruột non. Dính nhau nhiều cơ quan nên ca mổ này được các chuyên gia đánh giá là một ca mổ phức tạp, nhiều rủi ro.

Thúy An lại bị dị tật tim bẩm sinh, tỷ lệ cứu sống cả hai em khoảng 50-60%, nếu chỉ cứu một em thì tỷ lệ là 70%.

Ca mổ tách diễn ra tại Hà Nội ngày 17/1/2003 bởi 50 y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và chuyên gia đến từ Mỹ và sau 10 giờ đã phẫu thuật thành công.

3. Đôi song sinh gái dính liền ngực

Hai bé gái song sinh dính liền khoảng ngực dưới cho tới rốn, Bác sĩ Trần Đông A tiếp tục mổ chính tháng 11/2005 ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Ca phẫu thuật sử dụng dao mổ siêu âm đời mới và dao mổ điện có sử dụng cầm máu bằng tia argon. Ê kíp 23 bác sĩ phẫu thuật tách rời toàn bộ bề dày của gan dính nhau, tách rời cơ hoành và xương ức, sau đó tách màng bao tim và tách màng phổi.

Sau mổ nhiều năm, hai chị em sức khỏe ổn định và mỗi người có cuộc sống riêng.

4. Cu – Cò

Anh em Cu và Cò chào đời ngày 2/12/2008 tại Nghệ An nhưng dính nhau phần bụng còn các bộ phận khác thì khá nguyên vẹn. Ca phẫu thuật tách dính cho hai bé được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 17/12/200, khi cả hai mới 15 ngày tuổi.

Các bác sĩ đã thông đường tiêu hóa bị tắc của bé Cò, vài ngày sau đó lại phẫu thuật chuyển lại động mạch cho bé Cu. Hai em đang sống khỏe mạnh với gia đình tại Nghệ An.

5. Cặp song sinh dính xương ức

Hệ tĩnh mạch của hai bé ở Bến Tre có nhánh thông nhau, một bé có tim chỉ hai ngăn một tâm thất một tâm nhĩ, cả hai bé đều bị bệnh tim bẩm sinh. 

Ngày 12/1/2010, bé tim hai ngăn bị biến chứng dẫn đến suy tim và phù nguy hiểm đến sinh mạng, nên các bác sĩ quyết định mổ sớm.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, BS Đào Trung Hiếu chỉ huy ê kíp gồm 20 người, trong 3 giờ phẫu thuật đã tách phần gan dính nhau, khống chế các mạch máu nối giữa hai gan, tách các phần dính còn lại, tái tạo thành công thành bụng từ các cơ.

6. Hai bé gái dính ngực, bụng, chung cơ quan sinh dục

Năm 2012, hai bé gái sinh đôi quê Hà Giang dính nhau phần ngực, bụng, có chung một bộ phận sinh dục nhập Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Hai bé nhiều phần dính liền phức tạp, phải nhịn ăn hoàn toàn và chỉ nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch song dạ dày của hai bé ngày càng phình to, nguy cơ vỡ rất cao.

Bác sĩ quyết định mổ sớm lúc các cháu mới 4 ngày tuổi, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc bệnh viện trực tiếp mổ tách rời.

7. Đôi song sinh ở Hà Tĩnh

Ngày 19/12/2012, hai bé gái song sinh dính nhau quê Hà Tĩnh, được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và Viện Tim TP HCM phối hợp phẫu thuật tách rời.

Hai bé gái có đầu và tay chân riêng biệt, chung một cột sống, nhưng một bé bị vẹo cột sống do tư thế dính nhau gây nên, ngoài ra dính nhau phức tạp ở gan và tim, mạch máu lớn gần tim tách biệt.

Ca phẫu thuật kéo dài 10 giờ, sau đó sức khỏe của hai bé ổn định.

8. Phi Long – Phi Phụng

Ca phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, ngày 26/11/2013 cho hai bé Nguyễn Phi Long – Nguyễn Phi Phụng bị dính liền ở tim và gan.

cặp dính thứ 8
Phi Long – Phi Phụng trước phẫu thuật – ảnh VnExpess.

Bé Long sức khỏe tốt hơn nên quá trình phẫu thuật tiến hành rất suôn sẻ. Bé Phụng không có phần xương ức và mất rất nhiều da nên bác sĩ đã tạo phần xương nhân tạo và kéo da cho bé.

Ca phẫu thuật kéo dài liên tục trong 12 giờ này được xem là ca mổ tách song sinh dính liền nhau phức tạp nhất được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

9. Đôi song sinh dính liền vùng cùng cụt

Sản phụ Nguyễn Thị Quyền, 18 tuổi, người S’tiêng, ở Bình Phước sinh đôi 2 bé dính liền 15 cm hai xương sống vùng cùng cụt, ở tư thế đối lưng, mặt hướng ra hai bên. Sự tương dính rất phức tạp, nguy cơ tử vong và tàn tật cao.

Ngày 23/8/2017, hơn 20 bác sĩ dùng kính vi phẫu, mở màng cứng và tách tủy, tách các sợi thần kinh dính liền giữa hai bé. Ca mổ thành công, vết thương hở ngay sát ống tủy được che bởi các vạt da tự thân, không để lộ các mô xương, màng tủy.

10. Hai bé gái dính liền ngực

Hai bé gái ở Quảng Nam, dính liền mặt trước từ ức tới bụng. Các bộ phận của hai bé như tiêu hóa, hô hấp và tim mạch đều nguyên vẹn và độc lập nhưng lại bị dính nhau phức tạp ở phần gan trái.

Đây là ca tách dính song sinh thứ 10 tại Việt Nam, được thực hiện bởi 18 bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM ngày 2/10/2019.

11. Diệu Nhi – Trúc Nhi

Ca thứ 11 vừa diễn ra hôm qua 15/7. Hai chị em song sinh Hoàng Diệu Nhi và Hoàng Trúc Nhi, 13 tháng tuổi ở TP HCM, bị dính liền vùng bụng chậu phức tạp, sống cộng sinh vì chung nhiều nội tạng.

Ê kip phẫu thuật lên tới gần 100 y bác sĩ, đông nhất so với 10 ca mổ trước, hơn 13 giờ để tách rời thành công và tái tạo cơ thể khiếm khuyết cho các cháu.

Các chuyên gia tiên lượng khả năng sống của cả hai bé hậu phẫu là trên 70%. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, là người phẫu thuật chính ca mổ này. Giáo sư Trần Đông A, 79 tuổi là tham vấn chính.