Năm nay là kỉ niệm 33 năm vụ thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Một số điều khác thường đang diễn ra tại thủ đô của Trung Quốc, theo Secret China.

Cách đây gần 33 năm, vào rạng sáng 4/6/1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh cho quân đội tàn sát những sinh viên đang bám trụ hoặc di tản khỏi Quảng trường Thiên An Môn sau thời gian biểu tình. Ước tính có hàng ngàn người thiệt mạng trong cuộc càn quét đẫm máu này. Những người còn sống sót và thân nhân của những người mất mạng bị bịt miệng bằng các hình thức khác nhau. Cuộc kiểm duyệt và áp chế diễn ra không ngừng, suốt từ đó cho đến nay.

Năm 2022 cũng không ngoại lệ, tuy nhiên có một số điều mới lạ vào những ngày trước sự kiện tưởng niệm 33 năm sự kiện Lục Tứ (4/6).

Thay đổi phương pháp giám sát các bà mẹ Thiên An Môn

Việc giám sát các bà mẹ có con bị giết ở Quảng trường Thiên An môn luôn trở nên nghiêm ngặt hơn bao giờ hết vào những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6.

Hàng năm vào những ngày trước ngày 4/6, ĐCSTQ thường cử người theo dõi các thành viên chủ chốt trong nhóm “Các bà mẹ Thiên An Môn” và ngăn cản họ giao tiếp với thế giới bên ngoài. Năm nay, Bắc Kinh đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, với lý do là nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Bà Trương Tiên Linh (Zhang Xianling), 85 tuổi, người sáng lập ra nhóm “Những bà mẹ Thiên An Môn”, cho biết bà nghi ngờ chính quyền Trung Quốc đã thay đổi phương pháp giám sát của họ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Bà Trương Tiên Linh cầm di ảnh của con trai bị giết chết trong vụ Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc (ảnh: Youtube).
Bà Trương Tiên Linh cầm di ảnh của con trai bị giết chết trong vụ Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc (ảnh: Youtube).

Bà nói: “Năm nay, có một biện pháp mạnh hơn những năm trước, đó là điện thoại di động của tôi không thể trả lời cuộc gọi ở nước ngoài. Trước đây, chỉ cần gọi điện thoại di động là có thể phỏng vấn tôi. Nhưng năm nay điện thoại di động của tôi không thể trả lời các cuộc gọi ở nước ngoài.”

Bà Linh cho biết thêm: “Không chỉ riêng tôi, điện thoại di động của một số hội viên Bà mẹ Thiên An Môn cũng không thể nhận cuộc gọi từ nước ngoài, điều này khác với những năm trước.”

Bà Linh mô tả rằng trong nhiều năm sống trong sự giám sát, con đường đi tìm công lý cho người con trai đã khuất của bà (Vương Nam – Wang Nan) là rất khó khăn. Nhưng bà sẽ không từ bỏ cho đến khi công lý được sáng tỏ.

Năm nay người Hồng Kông “không dám” công khai kỷ niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn

Sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh Hồng Kông vào năm 2020, những quyền tự do ít ỏi còn lại của đặc khu tự trị này ngày càng mai một. Năm nay, chưa có nhóm nào dám tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày 4/6.

Vào những năm trước đó, các sự kiện tưởng niệm nạn nhân vụ Lục Tứ thường thu hút hàng trăm ngàn người tham dự. Vào ngày kỷ niệm 4/6/2019, có khoảng 180 ngàn người Hồng Kông thắp nến tại công viên Victoria. Nhưng những sự kiện như vậy giờ chỉ là dĩ vãng.

Lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ Thảm sát Thiên An Môn được tổ chức tại Hồng Kông, Trung Quốc năm 2019 (ảnh chụp màn hình video ABC).
Lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ Thảm sát Thiên An Môn được tổ chức tại Hồng Kông, Trung Quốc năm 2019 (ảnh chụp màn hình video ABC).

Bà Linh cho biết: “Không có sự kiện tưởng niệm dưới ánh nến ở Victoria Garden, nhưng ánh nến ở Victoria Garden sẽ tiếp tục được thắp sáng trong trái tim của những người có ý thức về công lý trên toàn thế giới”.

Bắc Kinh hạn chế người đến Quảng trường Thiên An Môn

Lấy lý do “phòng chống dịch bệnh”, chính quyền Trung Quốc ra quy định khó để hạn chế người dân tới Quảng trường Thiên An Môn vào đúng dịp kỷ niệm 33 năm vụ Thảm sát.

Cụ thể, Quảng trường Thiên An Môn sẽ tạm dừng dịch vụ đăng ký tham quan trong ngày, thời gian áp dụng từ ngày 25/5 đến ngày 15/6.

Trong khoảng thời gian đó, khách du lịch phải đặt lịch trước ít nhất 1 ngày và phải có giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ. Khách du lịch phải đo nhiệt độ, kiểm tra an ninh và các thủ tục khác thì mới được tham quan Quảng trường.

Chính quyền Trung Quốc vốn đã thắt chặt kiểm soát ở Bắc Kinh để theo đuổi chính sách “không Covid”. 9 quận nội thành bị đặt trong tình trạng phong tỏa.

Các nhà chức trách cũng thông báo rằng bắt đầu từ ngày 25/5, rằng các biện pháp kiểm soát sẽ được nâng cấp tại 9 trong số 16 quận của thành phố, bao gồm Triều Dương, Hà Đông, Phong Đài, Thạch Cảnh Sơn, Thông Châu, Thuận Nghĩa, Trường Bình, Fangshan và Mentougou.

Tại những khu vực này, tất cả cư dân bị hạn chế quyền tự do đi lại và được yêu cầu làm việc tại nhà cho đến ngày 28/5. Lệnh này ảnh hưởng đến 11,8 triệu người trong số 21,88 triệu cư dân Bắc Kinh.

Các hoạt động tưởng niệm nạn nhân vụ Thảm sát Thiên An Môn đã khó khăn, nay lại càng trở nên khó khăn ở Trung Quốc. Dù vậy, các hoạt động tưởng niệm dự kiến vẫn diễn ra ở một số nơi trên thế giới.