Trung Quốc ‘dòm ngó’ cảng biển và ngư trường của Solomon
Một tài liệu mới rò rỉ gần đây cho thấy Trung Quốc đang dòm ngó đến cơ hội xây dựng các cầu cảng và khai thác ngư trường tại quần đảo Solomon. Giới quan sát cho rằng thỏa thuận an ninh mới giữa Bắc Kinh và quốc đảo Thái Bình Dương có thể mở ra cánh cửa cho Trung Quốc quân sự hóa khu vực.
Theo ET, hãng tin The Australian mới đây đã tiết lộ bản dự thảo Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Kinh tế Xanh (pdf) giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon trong khuôn khổ dự án Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc.
Theo thỏa thuận này, cả hai nước sẽ khuyến khích đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như đánh bắt hải sản, công nghệ hàng hải, du lịch, năng lượng tái tạo (phong điện, thủy triều), khoan dầu ngoài khơi, cũng như xây dựng cảng biển, cáp ngầm và đóng tàu.
Thỏa thuận được đưa ra khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng ở Quần đảo Solomon.
Tuần trước, Trung Quốc và Solomons đã ký kết kế hoạch xây dựng một trung tâm y tế mới tại bệnh viện lớn nhất quốc gia Thái Bình Dương, Bệnh viện Chuyển tuyến Quốc gia ở thủ đô Honiara.
Theo thỏa thuận “hợp tác an ninh” của Solomon với Trung Quốc”, Bắc Kinh có thể điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí và thậm chí cả tàu hải quân tới Solomôn để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở Quần đảo Solomon”.
Thỏa thuận này đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng từ Australia và các nước đồng minh dân chủ. Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm 6/5 đã bày tỏ mối lo ngại này với người đồng cấp của Solomon, Jeremiah Manele ở Brisbane.
Bà Payne tuyên bố : “Chúng tôi đã nhắc lại những lo ngại sâu sắc của mình về thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, trong đó có cả yếu tố thiếu minh bạch”.
Giới chức Australia đề nghị Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon rằng Quần đảo này sẽ không bị Trung Quốc biến thành “căn cứ quân sự nước ngoài”.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 4, một bức thư bị rò rỉ từ Công ty Kỹ thuật Dự án Quốc tế Avic (có trụ sở tại Bắc Kinh) đang tích cực tìm kiếm các địa điểm để xây dựng cơ sở hạ tầng hải quân ở Solomon.
Giáo sư Anne-Marie Brady, một chuyên gia về Trung Quốc, có trụ sở tại Đại học Canterbury ở New Zealand, cho biết Bắc Kinh “nhiều lần” cố gắng tiếp cận các sân bay và cảng biển quan trọng về mặt quân sự ở Nam Thái Bình Dương.
“Trung Quốc cung cấp vũ khí, phương tiện quân sự và tàu thuyền, quân phục, huấn luyện và các tòa nhà quân sự cho các lực lượng vũ trang của Fiji, Papua New Guinea, Tonga, Vanuatu và bây giờ là quần đảo Solomon”, bà Brady viết trên Twitter.
Trung Quốc đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này có ý định thiết lập căn cứ tại quần đảo Solomon. Tuy nhiên, tương tự như lời hứa “không quân sự hóa Biển Đông” mà ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2015, giới quan sát không mấy tin tưởng vào lời cam kết lần này của Bắc Kinh tại Solomon.