Số liệu ‘72% người đồng ý tăng học phí’ ngược chiều dư luận
Số liệu Sở Giáo dục Hà Nội đưa ra “72% người dân đồng ý tăng học phí” bị dư luận nghi ngờ về tính chân thực.
Báo VnExpress đưa tin, ngày 20/6, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.
Theo dự thảo, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí THCS dự kiến 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đang áp dụng. Hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%. Chỉ 20.000 ý kiến không đồng tình, chiếm 27%. Phía Sở nói thêm rằng, kết quả lấy ý kiến này được thực hiện theo hình thức: Các phòng giáo dục, các trường công lập thực hiện, và 74.000 tham gia ý kiến là cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên các trường, theo báo Người Lao Động.
Đây là kết quả “lấy ý kiến” được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sử dụng để thuyết minh cho dự thảo tăng học phí gấp đôi. Tuy nhiên, dư luận tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của các số liệu này.
Con số đáng nghi ngờ
Ông Ngô Hữu Thảo, một thành viên của Mặt trận đặt vấn đề tỷ lệ hơn 70% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí là rất đáng “nghi ngờ”, nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay. Giá xăng 5-7 lần tăng phá các kỷ lục lịch sử, người dân phải thắt lưng buộc bụng, thậm chí khi 3 năm qua lương chưa tăng… Với tỷ lệ gần 30% không đồng tình, ông Thảo cho rằng đây cũng là con số không nhỏ những người sẽ gặp khó khăn khi tăng học phí.
Còn ông Lê Gia Ánh nói đối tượng lấy ý kiến là giáo viên và phụ huynh thì không chỉ 70% mà muốn 80% đồng tình cũng được vì giáo viên là người trong ngành, còn phụ huynh thường rất ngại có ý kiến khác. “Nếu mở rộng đối tượng góp ý thì kết quả sẽ khác”, ông Ánh khẳng định.
Một độc giả ký tên Duc Minh trên VnExpress viết: “Tôi nói thật là mặc dù thu nhập của 2 vợ chồng tôi rất tốt nhưng tôi cũng phản đối việc tăng học phí. Có đi họp phụ huynh cho con tôi mới biết được rằng: với 51 phụ huynh trong lớp, không phải ai cũng như ai. Thậm chí có phụ huynh gia đình còn rất khó khăn, tiền quỹ lớp còn phải xin không đóng. Cuối năm ban phụ huynh còn phải lên kế hoạch để tặng quà, quần áo, sách vở năm học mới cho con của phụ huynh đấy. Vậy thử hỏi 72% đồng ý nếu áp dụng vào lớp con của tôi thì có đến 36 người đồng ý. Xin lỗi là tỉ lệ đó không có đâu. Mới quý lãnh đạo trực tiếp đi học cùng con em chúng tôi để hiểu được nỗi lòng của từng bậc phụ huynh”.
Trưng cầu ý dân chỉ là hình thức, trước sau cũng sẽ tăng
Trong phần tiếp thu giải trình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nói rằng nguyên tắc là mức thu học phí năm 2022-2023 bằng mức sàn, tức mức thu thấp nhất theo nghị quyết của Chính phủ. Ông Cương nói việc điều chỉnh học phí không ảnh hưởng đến người diện chính sách nên các thành viên của Mặt Trận Tổ quốc không cần quá lo lắng.
Để hỗ trợ học sinh 23 xã miền núi, liên ngành thành phố xin nguồn kinh phí hỗ trợ, dự kiến khoảng 9,5 tỷ đồng. Ngoài ra, học sinh hộ nghèo, gia đình chính sách đều được miễn giảm học phí.
“Nếu năm nay Hà Nội không tăng học phí thì sang năm phải tăng gấp đôi và sang năm không tăng thì năm tiếp theo tăng gấp 3. Một số tỉnh thành trong đó có TP.HCM 3 năm không tăng nên năm nay phải tăng gấp 5 lần”, ông Cường nói.
Lý giải việc nguyên nhân tăng học phí ông Cương đưa ra dẫn chứng rằng Hà Nội hiện có 2.835 trường học với 2,3 triệu học sinh (đông gấp 2 lần dân số của một số tỉnh); có hơn 138.000 giáo viên, trong đó khoảng 100.000 người dạy công lập. Nguồn thu từ học phí hiện tại chỉ đảm bảo chi 19% cho giáo dục, ngân sách nhà nước vẫn phải chi 81% (mỗi năm khoảng 12.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 60.000 học sinh, tương ứng phải xây thêm 30 trường học, tuyển thêm giáo viên. Thành phố hiện thiếu hơn 7.000 giáo viên nhưng mới chỉ được tuyển bổ sung 2.800 giáo viên.
Do đó nếu không tăng học phí thì không có đủ nguồn lực để duy trì và phát triển giáo dục. Dự kiến, dự thảo tăng học phí sẽ được trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 tới.